Năm nay, ông Trump sẽ nói gì về Triều Tiên khi phát biểu tại Liên hiệp quốc?
Năm ngoái, trong bài phát biểu đầu tiên trước Liên hiệp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên
Năm ngoái, trong bài phát biểu đầu tiên trước Liên hiệp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên. Năm nay, nhiều khả năng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ "khoe" với Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York về những nỗ lực ngoại giao của ông nhằm cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, cho dù ông Trump có đưa ra những phát biểu trái ngược về Triều Tiên so với năm ngoái, thì Bình Nhưỡng vẫn chưa có động thái cụ thể nào chứng tỏ sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công vào đại lục Mỹ.
Sau khi liên tục leo thang căng thẳng trong năm 2017, tình hình Triều Tiên đã có những chuyển biến tích cực năm nay, thể hiện rõ nét nhất qua cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore hôm 12/6.
Tuần trước, ông Kim Jong Un hứa với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng Triều Tiên sẽ dỡ bỏ khu thử tên lửa chính và sẽ từ bỏ cơ sở hạt nhân chính của nước này nếu Mỹ có hành động thiện chí đáp lại. Ông Kim Jong Un cũng nói sẽ cho phép thanh sát viên quốc tế kiểm tra Triều Tiên dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân và tên lửa.
Những tuyên bố từ Triều Tiên cho thấy nhiều hứa hẹn, nhưng thực ra Bình Nhưỡng chưa có động thái cụ thể nào để đi đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược như yêu cầu của Mỹ. Thời gian qua, nhiều nguồn tin, bao gồm giới tình báo Mỹ, cho rằng Triều Tiên thực ra vẫn đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, cho dù đã dừng các vụ thử.
Tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York vào ngày thứ Hai, ông Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in để nghe nhà lãnh đạo Hàn Quốc thông báo kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng vừa qua. Tiếp đó, vào ngày thứ Ba, ông Trump sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã đề xuất có một cuộc gặp với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho, và dự kiến chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Bảo an để bàn về nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào ngày thứ Năm.
Một số quan chức Mỹ hiện đang lo ngại về việc ông Trump lạc quan thái quá về tình hình Triều Tiên. Tuần trước, ông Trump gọi tuyên bố chung liên Triều sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Moon Jae-in là "rất tuyệt vời". Trước đó, ông Trump nói sẵn sàng gặp ông Kim Jong Un lần thứ hai.
Một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên nói rằng điều đáng lo là ông Trump có thể đưa ra với ông Kim Jong Un "quá nhiều, quá sớm" những đề nghị nhằm giành điểm trước kỳ bầu cử Quốc hội 6/11 - cuộc bầu cử mà Đảng Cộng hòa của ông phải cố gắng để giữ quyền kiểm soát lưỡng viện.
Về phần mình, Ngoại trưởng Pompeo cũng tỏ ra thận trọng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm thứ Sáu, ông Pompeo nói vẫn còn nhiều việc phải làm "để đảm bảo điều kiện phù hợp" cho một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai, đồng thời khẳng định lại rằng lệnh trừng phạt sẽ chưa được dỡ chừng nào Triều Tiên còn chưa từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích có uy tín và các cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng đến nay, Triều Tiên chưa đi xa hơn khỏi việc đưa ra những lời hứa mà họ từng phá vỡ trong các cuộc đàm phán thất bại của những thập kỷ trước.
Tuy vậy, ông Joseph Yun, một cựu quan chức của Chính phủ Mỹ về vấn đề Triều Tiên, nói rằng ít nhất thì mối quan hệ giữa Washington với Bình Nhưỡng cũng đã tốt hơn trước, vì hai bên không còn đe dọa lẫn nhau và một cơ hội để đạt bước tiến đã mở ra.
"Nhưng liệu họ có phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước tháng 1/2021 không?" ông Yun nói về mục tiêu mà ông Pompeo đưa ra về việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump.
"Không đâu. Việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn thế", ông Yun dự báo.