16:26 17/06/2021

Ngân hàng mất thanh khoản, lỗ 50% vốn pháp định, mất CAR trong 12 tháng, sẽ bị xếp "yếu kém"

Dự thảo sửa đổi Thông tư 52 với những điểm nổi bật: siết chặt các tiêu chí xác định tổ chức tín dụng yếu kém. Nhưng bao giờ thị trường được minh bạch tổ chức tín dụng yếu kém lại chưa được đề cập trong dự thảo...

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

TIÊU CHÍ CHẶT CHẼ VÀ RÕ HƠN

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo thông tư là việc bổ sung rõ các quy định xếp hạng tổ chức tín dụng loại D - Yếu và loại E - Yếu kém mà không dựa trên điểm số xếp hạng.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng bị xếp hạng (D) nếu lâm vào một trong 2 trường hợp sau: không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) trong thời gian 03 tháng liên tục; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) trong thời gian 06 tháng liên tục.

 
Mất thanh khoản; số lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ;  không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục...; sẽ bị xếp là "tổ chức tín dụng yếu kém".

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng sẽ bị xếp hạng (E) nếu chưa được Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và lâm vào một trong 3 trường hợp. Thứ nhất, mất/có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất/có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. Thứ ba, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục...

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng bổ sung quy định riêng liên quan đến tổ chức tín dụng đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định thời gian thực hiện xếp hạng và phê duyệt kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng này, thay vì quy định phải hoàn thành xếp hạng trong tháng 6 hàng năm như các tổ chức tín dụng thông thường.

 
Một điểm đáng chú ý khác là Ngân hàng Nhà nước thay đổi quan điểm tính điểm xếp hạng. Cụ thể, đối với các chỉ tiêu định tính, tổ chức tín dụng vẫn được chấm điểm tối đa nếu như các vi phạm phát hiện trước năm xếp hạng đã khắc phục xong.

Đồng thời, dự thảo thông tư điều chỉnh điểm trừ phù hợp hơn theo hướng các hành vi vi phạm do tổ chức tín dụng tự phát hiện và báo cáo nhưng chưa khắc phục xong sẽ bị trừ ít điểm hơn so với các hành vi vi phạm khác.

"Việc tổ chức tín dụng tăng cường công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm tự phát hiện các hành vi vi phạm (nếu có) trong quá trình hoạt động, từ đó kịp thời có các biện pháp xử lý là hết sức quan trọng và cần được khuyến khích", phía Ngân hàng Nhà nước lưu ý.

Dự thảo thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số định nghĩa liên quan đến tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 do Thông tư 36/2014/TT-NHNN là thông tư tham chiếu các định nghĩa nay đã hết hiệu lực.

Ngoài ra, bổ sung thêm "Thông tin, dữ liệu tại báo cáo tài chính được kiểm toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài theo quy định của pháp luật" vào tài liệu, thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác xếp hạng; cùng một số thay đổi khác.

THAY ĐỔI ĐỂ GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN

Liên quan đến nội dung trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ, đã được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Quyết định số 1058, một số cơ chế đặc thù như cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ; phân bổ/hoãn trích lập dự phòng rủi ro; thoái lãi dự thu…; đã được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức tín dụng thực hiện nhằm hỗ trợ công tác cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu của các đơn vị này.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ “Xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” (nhiệm vụ số 59, Phụ lục số 04).

Hiện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đang tham mưu trình cấp có thẩm quyền xây dựng Đề án nêu trên cho giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, để có đầy đủ cơ sở, thông tin  thực hiện nhiệm vụ trên, cần nắm được đầy đủ thực trạng hoạt động, mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng thông qua kết quả xếp hạng theo quy định tại Thông tư số 52.

“Do đó, trong thời gian tới, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Thông tư số 52 nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xếp hạng các tổ chức tín dụng thời gian vừa qua", dự thảo của Ngân hàng Nhà nước nêu.

Trong đó, các chỉ tiêu phục vụ xếp hạng cần được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro của các tổ chức tín dụng trong trường hợp không được chấp thuận thực hiện các cơ chế đặc thù, ví dụ: cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ, phân bổ/hoãn trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu...