Ngân hàng ngầm khổng lồ của Trung Quốc đệ đơn phá sản
Zhongzhi là một công ty có tên tuổi trong ngành công nghiệp ngân hàng ngầm trị giá 3 nghìn tỷ USD - tương đương quy mô nền kinh tế Pháp - của Trung Quốc...
Công ty quản lý gia sản Zhongzhi Enterprise Group của Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản để thanh lý tài sản sau khi mất khả năng trả nợ, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chưa có hồi kết.
Trong một tuyên bố vào hôm thứ Sáu vừa rồi, một toà án ở Bắc Kinh cho biết Zhongzhi xin phá sản trên cơ sở không thể trang trải được các khoản nợ đáo hạn và tài sản của công ty không đủ để trả hết nợ. Toà án nói đã chấp nhận đơn xin bảo hộ phá sản và thanh lý tài sản của Zhongzhi theo luật phá sản doanh nghiệp của Trung Quốc.
Zhongzhi là một công ty có tên tuổi trong ngành công nghiệp ngân hàng ngầm trị giá 3 nghìn tỷ USD - tương đương quy mô nền kinh tế Pháp - của Trung Quốc. Kết cục ảm đạm của Zhongzhi làm gia tăng mối lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc có thể lan rộng sang lĩnh vực tài chính.
Trước khi đổ nợ, Zhongzhi đã tham gia nhiều vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, huy động vốn từ nhà đầu tư rồi cho vay, trong đó có nhiều khách vay là doanh nghiệp địa ốc. Trong một bức thư gửi nhà đầu tư hồi tháng 11 năm ngoái, Zhongzhi xin lỗi nhà đầu tư và cho biết đã mất thanh khoản nghiêm trọng trong khi đang gánh số nghĩa vụ nợ lên tới 64 tỷ USD. Cảnh sát Bắc Kinh, nơi Zhongzhi đặt trụ sở, sau đó đã tiến hành điều tra hình sự đối với công ty này.
Ngành bất động sản Trung Quốc, với mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn, đã lâm vào khủng hoảng thanh khoản từ năm 2020. Các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp nhà đất Trung Quốc từ năm 2021 đã cản trở tăng trưởng kinh tế nước này và gây lo ngại trên thị trường tài chính toàn cầu.
Các công ty quản lý tài sản dạng ngân hàng ngầm ở Trung Quốc như Zhongzhi thường hoạt động với sự giám sát lỏng lẻo hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại. Các công ty này bán sản phẩm quản lý gia sản cho nhà đầu tư, chủ yếu là khách hàng cá nhân giàu có, rồi dùng tiền huy động được để cấp vốn vay cho doanh nghiệp bất động sản và trong các lĩnh vực khác.
Những dấu hiệu xấu ở Zhongzhi bắt đầu nổi lên từ tháng 7 năm ngoái, khi Zhongrong International Trust, một công ty uỷ thác là doanh nghiệp thành viên của Zhongzhi, trễ hạn thanh toán hàng chục sản phẩm đầu tư.
Vào tháng 8, Zhongzhi nói với nhà đầu tư rằng công ty đã rơi vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản và sẽ tiến hành tái cơ cấu nợ. Công ty quản lý gia sản này nói kế hoạch của công ty là “tự cứu mình” thông qua tái cơ cấu, trong đó tập trung vào việc thu nợ và thanh lý tài sản, nhưng đồng thời cũng để ngỏ khả năng phá sản.
Về đệ đơn phá sản và được toà án chấp nhận có thể giúp Zhongzhi đẩy nhanh tốc độ thanh lý tài sản - theo luật sư Ying Yue của công ty luật Leaqual Law Firm. Tuy nhiên, quy trình tại toà án có thể kéo dài, và nhà đầu tư có thể sẽ chỉ nhận lại được một phần nhỏ số tiền đã bỏ ra, thậm chí có thể chỉ đạt 30%, nếu dựa vào kinh nghiệm từ những vụ phá sản tương tự trước đây - ông Ying cho hay.
Một kịch bản được ông Ying đưa ra cho rằng hơn 3/4 số tiền mà nhà đầu tư rót vào Zhongzhi sẽ không thể lấy lại. Chỉ có khoảng 100 tỷ nhân dân tệ tài sản - tương đương 14 tỷ USD - trong tổng số nợ 460 tỷ nhân dân tệ là có thể thu hồi được.
Còn theo ông Sun Jianbo, nhà sáng lập công ty quản lý tài sản China Vision Capital có trụ sở ở Bắc Kinh, tài sản xấu thường được bán với giá chiết khấu 70%. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư chỉ có thể lấy lại 13% số tiền mà họ đã rót vào Zhongzhi, theo tính toán của hãng tin Bloomberg.