17:22 14/08/2023

Ngân hàng Nhà nước đã bơm khoảng 61,5 nghìn tỷ đồng qua thị trường mở

Tùng Thư

Từ nửa cuối tháng 6, các hoạt động trên thị trường mở trầm lắng. Cho đến ngày 11/8, dù Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chào thầu trên kênh cầm cố, chủ yếu ở kỳ hạn 7 ngày nhưng không có khối lượng trúng thầu…

Chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng mua ngoại tệ để bơm tiền ra thị trường.
Chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng mua ngoại tệ để bơm tiền ra thị trường.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 61,5 nghìn tỷ đồng qua thị trường mở (OMO) trong 7 tháng đầu năm 2023.

Đến cuối tháng 7, lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, lãi suất cho vay qua đêm tại ngày 1/8 chỉ ở mức 0,22%/năm. Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước giảm 1,5 điểm % so với đầu năm, lãi suất huy động giảm từ 1 đến 2 điểm %, lãi suất cho vay giảm khoảng 1 điểm %.

Tăng trưởng tín dụng và cung tiền yếu.
Tăng trưởng tín dụng và cung tiền yếu.

Trong 5 tháng  đầu năm 2023, tăng trưởng cung tiền và tín dụng lần lượt là 4,8% và 9,1% so với cùng kỳ. Cung tiền chỉ mới nhích tăng trở lại từ tháng 5/2023, tín dụng tính đến cuối tháng 6/2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ.

 

Trong nửa đầu năm 2023, cung-cầu ngoại tệ không căng thẳng như nửa cuối năm 2022. Theo VDSC, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hơn 6,3 tỷ USD (~148 nghìn tỷ đồng) trong 6tháng đầu năm 2023.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hiện nay các giải pháp tăng cung tiền chưa có nhiều: “May mắn là Việt Nam có thặng dư thương mại nên Ngân hàng Nhà nước có thể tăng mua dự trữ ngoại tệ để bơm tiền ra, song lượng tiền mà Ngân hàng Nhà nước bơm ra mua ngoại tệ lâu nay chưa nhiều, thị trường OMO hoạt động khá yếu. Hy vọng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng mua ngoại tệ để bơm tiền ra thị trường nhiều hơn”. 

Cũng theo ông Nghĩa, liều lượng nới lỏng tiền tệ ra sao tuỳ thuộc vào việc cung tiền tăng thế nào chứ không phải lãi suất hạ bao nhiêu.

Điều tiết vốn trên thị trường mở chững lại từ tháng 6.
Điều tiết vốn trên thị trường mở chững lại từ tháng 6.

Bước sang tháng 8, hoạt động trên thị trường mở không có nhiều biến động. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND có xu hướng ổn định; trong khi lãi suất USD có các phiên tăng – giảm đan xen. 

Cụ thể, tuần từ 7/8 - 11/8, lãi suất VND liên ngân hàng biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 11/8, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,21% (-0,05 %); 1 tuần 0,44% (-0,02 %); 2 tuần 0,67% (-0,03%); 1 tháng 1,74% (-0,16 %t).

Lãi suất USD liên ngân hàng tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 11/08, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức:  qua đêm 5,05% (+0,02%); 1 tuần 5,13% (+0,01%); 2 tuần 5,23% (+0,02 %) và 1 tháng 5,33% (không đổi).

Theo nhóm nghiên cứu MSB, trên thị trường mở tuần từ 7/8 - 11/8, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ VND trên kênh cầm cố, lãi suất ở mức 4%. Không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.

Trên thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 7/8 - 11/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt ngày 11/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.837 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.978 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục được giao dịch theo xu hướng tăng nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 11/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.750 VND/USD, tăng tiếp 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 11/8, tỷ giá tự do tăng 35 đồng ở chiều mua vào và 15 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.765 VND/USD và 23.815 VND/USD.