13:44 10/01/2023

Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chuyển tiền một chiều ra nước ngoài và các giao dịch vãng lai khác

Vũ Phong

Với nhu cầu ngoại tệ để đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, hạn mức sẽ do ngân hàng được cấp phép quyết định trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và theo quy định...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 20/2022, có hiệu lực từ 15/2, hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai.

Các giao dịch chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam để được phép có quốc tịch hoặc định cư ở nước ngoài sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư.

Tại Thông tư mới, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định cá nhân được phép chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài phải là công dân Việt Nam hoặc người đại diện hợp pháp/thân nhân của công dân Việt Nam đang học tập, chữa bệnh ở nước ngoài. Việc chuyển tiền ra nước ngoài phải thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng được cấp phép, phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong đó, nguồn ngoại tệ để cá nhân chuyển, mang ra nước ngoài bao gồm ngoại tệ tự có (trên tài khoản thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ, tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, ngoại tệ tự cất giữ) và nguồn mua của ngân hàng được cấp phép.

Với giao dịch mua ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài, cá nhân có nhu cầu mua với các mức phải khai báo hải quan, ngân hàng sẽ cấp Giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài theo quy định.

Trong trường hợp có nhu cầu ngoại tệ tiền mặt để mang ra nước ngoài cho các mục đích học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, thăm viếng, cá nhân sẽ được mua loại ngoại tệ là đồng tiền của nước đến. Trường hợp không có đồng tiền của nước đến, ngân hàng được cấp phép sẽ thực hiện bán ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Với nguồn ngoại tệ tự có, người có nhu cầu chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều phải thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng, trừ trường hợp mang ngoại tệ tự cất giữ dưới mức phải khai báo hải quan.

Về hạn mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài của cá nhân, Ngân hàng Nhà nước cho biết với từng mục đích sử dụng, hạn mức ngoại tệ này sẽ khác nhau. Trong đó, với mục đích học tập, chữa bệnh, hạn mức ngoại tệ sẽ căn cứ vào chi phí tại thông báo của phía nước ngoài. Trường hợp không có thông báo về các chi phí sinh hoạt và các chi phí khác, ngân hàng sẽ là bên quyết định hạn mức mua, chuyển, mang thêm ngoại tệ của cá nhân.

Tương tự, hạn mức mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích trả các loại phí, lệ phí ở nước ngoài cũng căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.

Với nhu cầu ngoại tệ để đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, hạn mức sẽ do ngân hàng được cấp phép quyết định trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và theo quy định của Thông tư.

Đối với mục đích trợ cấp thân nhân đang ở nước ngoài, ngân hàng sẽ quyết định hạn mức ngoại tệ mua, chuyển trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân, phù hợp với mục đích hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống của người được trợ cấp ở nước ngoài. Tuy nhiên, hạn mức cho một người được hưởng trợ cấp ở nước ngoài trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp đang sinh sống.

Ngoài ra, hạn mức ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền thừa kế ở nước ngoài cũng sẽ căn cứ vào giá trị tài sản mà người hưởng thừa kế được hưởng theo quy định pháp luật; hạn mức với mục đích định cư ở nước ngoài sẽ căn cứ vào giá trị tài sản của người đi định cư được hình thành tại Việt Nam trước khi nhập quốc tịch nước ngoài hoặc trước khi được phép cư trú ở nước ngoài.

Trong trường hợp đối tượng chuyển tiền ra nước ngoài là tổ chức, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra các quy định cụ thể về đối tượng, mục đích, hạn mức… mua, chuyển, mang ra nước ngoài.

Trong đó, nguồn ngoại tệ của các tổ chức sẽ bao gồm ngoại tệ trên tài khoản thanh toán; tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ và ngoại tệ mua của ngân hàng được cấp phép. Hạn mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài sẽ căn cứ vào số tiền ghi trên giấy tờ, chứng từ có liên quan, nhưng tối đa không vượt quá 50.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trên một lần chuyển tiền.