Ngành Công thương Hà Nội đặt mục tiêu lớn cho năm 2025
Năm 2025, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp phấn đấu tăng từ 6,95% trở lên; kim ngạch xuất khẩu phấn đấu tăng từ 5% trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng từ 9% trở lên; chỉ số giá tiêu dùng kiểm soát tăng dưới 4,5%...
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội tại “Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025”, cho thấy năm 2024, Sở Công Thương đã tích cực tham mưu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn Thành phố.
KHU VỰC DỊCH VỤ TIẾP TỤC LÀ ĐIỂM SÁNG
Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 có xu hướng phục hồi tích cực quý sau cao hơn quý trước, 4/4 ngành công nghiệp cấp 1 tăng so với năm trước, nhiều đơn hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tăng khá.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 ước tăng 6,2%, đóng góp 0,82 điểm % vào mức tăng 6,52% của GRDP (chiếm 12,6%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 5,9% so với năm 2023.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm năm 2024 tăng 8,2% so với năm 2023, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng: Máy móc, thiết bị tăng 30%; dệt tăng 29,3%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,7%... Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm cuối năm 2024 giảm 11,5% so với cuối năm 2023.
Khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Thành phố. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 ước tăng 7,14% so với năm 2023, đóng góp 4,72 điểm % vào mức tăng 6,52% của GRDP (chiếm 72,4%). Trong đó, bán buôn, bán lẻ tăng 8,58%, đóng góp 0,85 điểm % vào mức tăng chung của GRDP (chiếm 13%). Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn năm 2024 ước đạt 4.268 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo chỉ rõ, phát triển công nghiệp, sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do chưa kêu gọi được những dự án đầu tư sản xuất lớn, có tính dẫn dắt các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Thành phố đối với các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố chưa thực sự rõ nét. Các chương trình hỗ trợ của các sở, ban, ngành chủ yếu là lồng ghép, chưa có một chương trình hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, vì vậy chưa đủ sức thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình.
Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, do thương mại quốc tế những năm gần đây chịu tác động của những yếu tố bất lợi như: tác động của hậu dịch Covid-19, xung đột thương mại Mỹ-Trung tiếp diễn, xung đột Nga-Ucraine, và mới đây là xung đột khu vực Trung Đông. Đây là những tác nhân chính, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ƯU TIÊN, CHỦ LỰC
Bước sang năm 2025, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương, nhận định đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030…
Kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục ở giai đoạn phục hồi, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế tổng thể dự kiến sẽ chậm lại; việc các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu tiếp tục tăng lãi suất sẽ được thể hiện rõ nét hơn trong năm 2024; việc thu hẹp tín dụng có thể tạo ra lực cản đáng kể đối với tăng trưởng. Một loạt rủi ro địa chính trị trầm trọng như cuộc xung đột Nga - Ukraine và xung đột Israel-Hamas… sẽ khiến cho tăng trưởng thương mại toàn cầu không thể lập tức trở lại mức bình thường.
Thị phần xuất khẩu bị thu hẹp do xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ của các tập đoàn đa quốc gia để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng. Song Hà Nội vẫn quyết tâm, kiên định phấn đấu hoàn thành mục tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn 2026-2030.
Theo đó, Sở Công thương phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu năm 2025: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp phấn đấu tăng từ 6,95% trở lên; kim ngạch xuất khẩu phấn đấu tăng từ 5% trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng từ 9% trở lên; chỉ số giá tiêu dùng kiểm soát tăng dưới 4,5%.
Để đạt kết quả trên, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhất trí với 13 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của năm 2025 của Sở Công thương, trong đó có 7 nhóm nhiệm vụ khó để tập trung chỉ đạo, thực hiện, xử lý có hiệu quả.
Ông Quyền đề nghị, Sở Công thương, các đơn vị trong ngành phải cụ thể hóa, bám sát và tiếp tục thực hiện có hiệu quả năm chủ đề năm "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển" của Thành phố gắn với chức năng nhiệm vụ của Sở, các chương trình công tác trọng tâm của Thành phố giao, 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố giao cho Sở và các nhiệm vụ của Sở theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, cần có giải pháp hết sức cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp. Trong đó, phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất. Tập trung thu hút đầu tư vào 7 cụm công nghiệp đã hoàn thành công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật…
Trong lĩnh vực thương mại, lãnh đạo Thành phố đề nghị tập trung đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đề xuất các giải pháp để tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài; Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tiếp tục tham mưu, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại, đáp ứng văn minh thương mại (Outlet, Chợ đầu mối nông sản…); Tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế. Phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cải tạo, sửa chữa các chợ trên địa bàn đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra…