22:52 23/07/2025

Dệt may Việt Nam đã có đủ tiềm lực đầu tư ra nước ngoài

Song Hà

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may hiện nay đã có đủ tiềm lực mong muốn tiếp cận thông tin về môi trường đầu tư, chính sách thu hút đầu tư, chi phí nhân công… ở một số quốc gia để có thể đầu tư ra nước ngoài, trở thành các tập đoàn toàn cầu…

6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu dệt may ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu dệt may ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác Ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 10,6%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,7 tỷ USD, tăng 9,3%, xuất siêu 9,1 tỷ USD. Dự báo cả năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46 - 47 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành đang chịu áp lực từ thuế đối ứng của Mỹ, do kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Cùng với đó là tác động tiêu cực từ những căng thẳng địa chính trị, từ xung đột thương mại giữa các cường quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Trước những thách thức như vậy, ngành dệt may đã quyết tâm đưa ra các giải pháp thích ứng nhằm giữ vững đà tăng trưởng.

Cụ thể, nâng cao nội lực: như đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ AI và robot trong thiết kế, phát triển mẫu và sản xuất, chuyển đổi kép, kinh doanh tuần hoàn…

Đồng thời đa dạng hóa thị trường, khách hàng, mặt hàng và nguồn cung nguyên phụ liệu. Ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan ngành tập trung vào các thị trường tiềm năng như Trung Quốc (hàng giá trị cao), Canada, Nga, Anh, ASEAN...

Mặt khác, tăng cường thu hút đầu tư từ FDI và doanh nghiệp trong nước, đặc biệt vào các khu công nghiệp đạt chuẩn về môi trường. Phát triển nguyên phụ liệu trong nước để chủ động nguồn cung và đáp ứng xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để hưởng lợi ích thuế quan.

Đồng thời nỗ lực các giải pháp phát triển thị trường nội địa và thương hiệu Việt. Chuyển đổi nhanh phương thức sản xuất xuất khẩu từ CMT sang FOB, ODM và OBM.

Song để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững, tại hội nghị Phó Chủ tịch VITAS đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ ngành vươn dài "cánh tay" ra xa hơn nữa trên bản đồ thế giới.

Theo ông Cẩm, ngành dệt may hiện đang có nhu cầu tự túc nguyên phụ liệu rất lớn để chủ động nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường và đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTAs. Do đó, đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bên cạnh việc nắm bắt, cung cấp thông tin về nhu cầu, thị hiếu, tập quán, quy định về an toàn sản phẩm … ở nước sở tại, xúc tiến kêu gọi, giới thiệu các nhà đầu tư uy tín, có thế mạnh về vốn, công nghệ để sản xuất vải, phụ liệu tại Việt Nam.

Hơn nữa, hiện nay nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã có đủ tiềm lực, có thể đầu tư ra nước ngoài để trở thành các tập đoàn toàn cầu, tận dụng lao động giá rẻ của một số nước (như Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan…).

Vì vậy, ông Cẩm mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở những nước này nắm bắt, cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư, chính sách thu hút đầu tư, chi phí nhân công, yếu tố rủi ro (nếu có) của một số nước có đông lao động để các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, ngành dệt may hiện đang rất thiếu lao động trình độ cao cho các khâu thiết kế sinh thái, dệt, nhuộm…, trong khi đó, với cơ chế tự chủ tài chính, rất ít trường đủ nguồn lực đào tạo các nghề này do thiếu giảng viên, chi phí cao, thời gian đào tạo dài. 

Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Cẩm đề nghị các cơ quan đại diện tại các nước có công nghiệp dệt may phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… liên hệ các cơ sở đào tạo có danh tiếng để có thể gửi giáo viên, sinh viên đi đào tạo. Đồng thời, đại diện Vitas đề nghị Nhà nước cấp kinh phí công tác đào tạo này, coi đây là khoản đầu tư công.