09:23 15/05/2009

Ngành điều trước nghịch lý mất mùa, rớt giá

Chu Khôi

Thuộc nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực song hạt điều đang đứng trước cảnh tiêu điều cả về sản xuất lẫn tiêu thụ

Năm nay, điều mất mùa ở nhiều tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước...
Năm nay, điều mất mùa ở nhiều tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước...
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tình hình xuất khẩu hạt điều đang gặp nhiều khó khăn, nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng và giá bán liên tục giảm. Tính trong 4 tháng đầu năm 2009, nước ta xuất khẩu 41.000 tấn điều, đạt kim ngạch 184 triệu USD, giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2008, cả nước xuất khẩu 167.000 tấn hạt điều, đạt kim ngạch 920 triệu USD, tăng trên 40% về giá trị so năm 2007. Tuy giá trị xuất khẩu chỉ bằng gần một nửa so với cà phê, nhưng hạt điều vẫn thuộc nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.

Năm 2009, dự kiến xuất khẩu 175.000 tấn điều, kim ngạch 875 triệu USD. Tuy đã điều chỉnh giảm mục tiêu, nhưng theo các chuyên gia của Vinacas, mục tiêu kim ngạch của ngành điều năm nay vẫn rất khó hoàn thành.

Năng suất và diện tích liên tục giảm

Những năm gần đây, năng suất của cây điều ở Việt Nam liên tục giảm thấp. Nhiều nơi đã ồ ạt chặt bỏ loại cây này để chuyển sang trồng các loại cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn, bởi vậy diện tích trồng điều liên tục giảm.

Năm nay, điều vẫn mất mùa ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Nhiều đợt mưa trái mùa vừa qua đã khiến cho ngót 100 nghìn ha điều bị nhiễm bệnh. Nhiều diện tích bị nhiễm nặng, năng suất giảm đến 40%. Bên cạnh đó, diện tích thiếu đầu tư chăm sóc dẫn đến sản lượng sa sút trầm trọng. Nguyên nhân là do năm ngoái vật tư cao, giá điều thấp dẫn đến lỗ vốn, từ đó người dân chán nản.

Hầu hết 50.000 ha điều ở Đồng Nai bị mất mùa, sản lượng giảm từ 30% trở lên. Tại huyện Bù Đăng, một trong những huyện có diện tích trồng điều lớn nhất tỉnh Bình Phước, nhiều diện tích bị khô bông, khô trái rồi rụng dần gây thiệt hại lớn. Ước tính toàn huyện mất khoảng 50% - 60% sản lượng vào thời điểm đầu vụ.

Điều mất mùa, nhưng giá lại rớt, khiến người trồng điều càng bị thua lỗ nặng. Hiện nay thương lái thu mua điều tại vườn chỉ với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg, giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg so thời điểm đầu năm.

Thị trường điều thế giới cũng chưa thoát khỏi ảm đạm. Từ cuối năm 2008 đến nay, giá điều liên tục giảm và giữ giá bán thấp. Bất lợi  lớn nhất là hạt điều chỉ  “ăn chơi” chứ không phải là thực phẩm chủ lực, khi kinh tế khó khăn người tiêu dùng sẽ cắt giảm. So với cuối năm 2008, giá trị  nhập khẩu điều của nhiều nước đều giảm đáng kể do sức mua giảm tới 50%.

Hiện tại giá xuất khẩu điều nhân qua sơ chế loại W320 của nước ta chỉ được 5,02 USD/kg, loại W240 có giá xuất 5,84 USD/kg. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu điều còn đang phải đối mặt với những  nguy cơ quỵt hàng, xù nợ và ép giá. Chưa bao giờ ngành điều lại gặp nhiều rủi ro như hiện nay khi uy tín của các bạn hàng truyền thống cũng có vấn đề, thậm chí, có đối tác còn chê cả mùi, vị nhân điều nhằm tìm cớ không lấy hàng. Bởi vậy, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu điều vẫn chưa có những hợp đồng dài hạn đến tháng 9 như các năm, chỉ có các hợp đồng đến tháng 5, 6.

Chế biến manh mún

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích canh tác điều cả nước hiện khoảng 400 nghìn ha, trong đó chỉ có khoảng 300 nghìn ha có thu hoạch, giảm khoảng 30 nghìn ha so với các niên vụ trước.

Sản lượng thu hoạch qua các năm cũng không bền vững, lúc giảm, lúc tăng. Năm 2006 đạt sản lượng 340. 000 tấn, năm 2007 là 400.000 tấn, năm 2008 giảm còn 350.000 tấn, năm 2009 được dự báo còn thấp hơn nhiều. Năng suất điều thất thường là do nông dân trồng điều ít đầu tư thâm canh đúng kỹ thuật.

Tổ chức chế biến của ngành điều cũng hết sức manh mún và tự phát, năng suất lao động còn thấp, sản phẩm không đa dạng và ít sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Toàn quốc có 203 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, nhưng hầu hết quy mô nhỏ, kim ngạch xuất khẩu từ 5 triệu USD trở lên chỉ có 38 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều chưa có nhà máy chế biến.

Hai năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu đã để xảy ra khá nhiều tranh chấp thương mại do không thực hiện đúng hợp đồng giao hàng. Đây là những vi phạm thương mại không đáng có, nguyên nhân chủ yếu là do dự báo thị trường không chính xác.

Vinacas yêu cầu các doanh nghiệp phải thận trọng khi ký hợp đồng xuất khẩu trong năm 2009, nên chọn những khách hàng tin tưởng và có uy tín, không nên ký hợp đồng tràn lan với giá thấp. Đồng thời, cơ cấu lại sản phẩm theo chiều hướng giảm chi phí giá thành, tăng chất lượng và phù hợp với từng thị trường khác nhau.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Vinacas sẽ tiếp tục xin vay thêm một phần kinh phí với lãi suất bằng 0% để các doanh nghiệp tăng nội lực, tránh bị nhà nhập khẩu ép giá.

Vinacas cũng kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, lùi thời hạn nộp thuế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm thị trường mới nhằm cố gắng duy trì sản xuất trong giai đoạn  khó khăn hiện tại.

Lâu nay, hầu như tất cả các doanh nghiệpchế biến điều chỉ chú trọng xuất khẩu mà “quên” thị trường nội địa, hiện 95% sản lượng điều là xuất khẩu. Đã đến lúc cần phải chú trọng hơn đến thị trường nội địa, mục tiêu đến năm 2015, tiêu thụ nội địa phải chiếm 10 - 20% tổng sản lượng.