16:37 17/12/2022

Ngành hàng cá tra "vượt đỉnh" lập kỷ lục xuất khẩu

Chu Khôi

Năm 2022 ngành hàng cá tra đạt thành tích ấn tượng trên cả 3 phương diện: diện tích thả nuôi, sản lượng thu hoạch và giá trị xuất khẩu. Ước cả năm, diện tích thả nuôi tăng 104%; sản lượng thu hoạch tăng 103,5% so với năm 2021. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD, tăng 70% so cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỉ USD…

Tri ân cá tra tại Lễ hội cá tra, tối 16/12/2022.
Tri ân cá tra tại Lễ hội cá tra, tối 16/12/2022.

Trong khuôn khổ Lễ hội cá tra lần thứ I năm 2022, vào chiều 16/12/2022 tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp năm 2023”.

ĐỒNG THÁP LÀ TỈNH SẢN XUẤT CÁ TRA LỚN NHẤT

Theo Tổng Cục Thủy sản, hiện diện tích nuôi cá tra khoảng 5.700 ha (chiếm 0,44% diện tích nuôi trồng thủy sản trên cả nước), tập trung tại các tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ với diện tích nuôi trồng rất nhỏ so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước, nhưng sản lượng cá tra thu hoạch chiếm tới 30% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước.

Tính đến hết tháng 11/2022, sản lượng thu hoạch cá tra đạt 1,526 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt 2,19 tỉ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc - chiếm 30%, Hoa kỳ chiếm 23%. Ngoài Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico...  Nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40% - 200%. Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile tăng 28% - 66%.

 

"Năm 2022, dự kiến cả nước xuất khẩu 1,68 triệu tấn cá tra, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,4 tỉ USD - đỉnh cao nhất trong lịch sử của ngành hàng. Các sản phẩm từ cá tra đã có mặt trên 134 quốc gia. Trong đó có các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia".

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá xuất khẩu cá tra phi lê tăng từ 28 - 66% so với cùng kỳ năm 2021, kéo theo giá cá tra nguyên liệu cũng tăng. Giá thu mua cá nguyên liệu duy trì mức 27.000 - 29.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giữ ở mức 30.000 - 31.000 đồng/kg, cao hơn trung bình khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Doanh nghiệp, cơ sở nuôi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều có lãi. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết: Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản (cá tra) của Đồng Tháp so với cả nước chiếm khoảng gần 40%; cung cấp hàng năm khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tính đến tháng 11/2022, diện tích luỹ kế nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp ước đạt 2.450 ha, đạt 111,3% so với kế hoạch, tăng 17,3% so cùng kỳ, với sản lượng thu hoạch 505.000 tấn; xuất khẩu ước đạt 270.077 tấn; kim ngạch ước đạt 847 triệu USD, tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021 và đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.

Ngành hàng cá tra "vượt đỉnh" lập kỷ lục xuất khẩu - Ảnh 1

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản (chủ yếu là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu), với tổng công suất thiết kế khoảng hơn trên 500.000 tấn/năm, thu hút hơn 25.000 lao động.

"Đồng Tháp đã lựa chọn cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng Tháp đã có kế hoạch phát triển cá tra theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh.

CÁ TRA ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ SẢN PHẨM QUỐC GIA

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu những khó khăn của ngành cá tra: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi đã làm một số bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện thường xuyên và khó điều trị, gây thiệt hại cho người nuôi; giá thành sản xuất tăng (chủ yếu do giá thức ăn thủy sản liên tục tăng) đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nuôi; chi phí logistics tăng... 

Bên cạnh đó, các thị trường châu Âu, châu Á liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác; đồng thời, kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây, thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Các đại biểu kiến nghị Tổng cục Thủy sản cần khẩn trương xây dựng đàn cá bố mẹ theo hướng tăng trưởng và kháng bệnh cho các trại sản xuất giống. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn các trại giống về giải pháp thay thế HCG (loại thuốc kích dục sinh sản cho cá tra) trong sản xuất giống cá tra và sử dụng phụ phẩm trong sản xuất, chế biến…

 

"Năm 1997 lần đầu tiên cá tra tham gia vào thị trường thế giới, xuất khẩu chỉ thu về 1,6 triệu USD. Năm 2008, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1 tỉ USD. Đến 10 năm sau, xuất khẩu cá tra vượt mốc 2 tỉ USD vào năm 2012. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra năm 2022 với 2,4 tỷ USD đã vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành.

"Chuẩn bị bước sang năm 2023, ngành hàng cá tra đang có rất nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức. Theo dự báo, nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.

Năm 2022, thủy sản là ngành hàng có sự tăng trưởng vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự kiến vượt 11 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất từ trước tới nay. 

“Hiện nay, cá tra được xác định là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biến đổi khí hậu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Để phát triển ngành cá tra hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra; cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; các tỉnh, thành ĐBSCL đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra…

"Cần tiếp tục phát triển quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa, đặc biệt quan tâm kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra với bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học nhằm cung cấp bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm với chi phí hợp lý, góp phần giảm áp lực cho xuất khẩu", Thứ trưởng phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

 
Khai mạc Lễ hội cá tra lần thứ nhất
Khai mạc Lễ hội cá tra lần thứ nhất

Tối 16/12/2022, UBND tỉnh Đồng Tháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khai mạc Lễ hội cá tra lần 1 năm 2022 với chủ đề “Vươn ra biển lớn”. Hàng ngàn người dân, doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành đã về dự tại Thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Phạm Thiện Nghĩa, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - khẳng định đây là sự kiện quan trọng, ấp ủ trong một thời gian dài của tỉnh với ngành hàng nông sản chủ lực mang lại giá trị tỷ USD.

Trước đây, cá tra được đánh bắt trong tự nhiên và sau này được ươm nhân tạo thành công đã cung cấp nguồn giống dồi dào và phát triển thành loài cá nuôi ao, lồng bè trải rộng khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Loài cá này không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người.

Sản xuất cá tra ở Đồng Tháp đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, đông lạnh đến vận chuyển và thực hiện hậu cần xuất khẩu. Ngành công nghiệp cá tra đã thúc đẩy phát triển nhiều ngành khác như: thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, ngành dược phẩm, mỹ phẩm…

"Có thể nói, người dân Đồng bằng sông Cửu Long luôn mang trong mình những khát khao, ước vọng đổi đời và con cá tra vượt sóng, vượt gió mang đến những ước vọng đó… và đã đến lúc, nghề nuôi, chế biến cá tra phải được nhìn nhận đúng tầm giá trị", ông Nghĩa nói.