Ngành sản xuất Mỹ lao đao vì thương chiến, "cửa" tái cử của ông Trump có sáng?
Lời hứa khôi phục ngành sản xuất Mỹ đã góp phần làm nên chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016
Trên quãng đường hàng ngày từ nhà đến nơi làm việc là một nhà máy ở rìa thị trấn nhỏ Brodhead thuộc miền Nam bang Wisconsin, ông Greg Petras thường nghe tin tức trên radio.
Hơn một năm nay, các bản tin thường nói về thương chiến Mỹ-Trung và tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Trung Quốc đang phải gánh chịu thuế quan mà ông áp lên hàng hóa nước này.
Tuy nhiên, theo tờ Bloomberg Businessweek, ông Petras không đồng tình với quan điểm mà ông chủ Nhà Trắng đưa ra.
"Lời nói dối" của ông Trump
"Đó là một lời nói dối, và ông ấy thừa biết điều đó", ông Petras - Chủ tịch nhà máy sản xuất thiết bị nông nghiệp Kuhn North America với khoảng 600 công nhân - phát biểu.
Đối với nhà máy này, cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi xướng đã đẩy họ vào tình trạng chi phí gia tăng mà doanh thu lại giảm sút.
Cuối tháng 8 đầu tháng 9, khoảng 250 công nhân của nhà máy Kuhn đã phải nghỉ việc không lương. Họ sẽ có thêm một đợt nghỉ việc như vậy vào đầu tháng 10. Lượng đơn hàng giảm sút buộc nhà máy phải cắt giảm chi phí và giảm sản lượng. Petras và các nhà quản lý khác của Kuhn có một cái nhìn bi quan về nền kinh tế Mỹ hơn so với cái nhìn của Nhà Trắng hay Phố Wall.
4 năm trước, nhà máy Kuhn và một nhà máy khác cùng công ty đặt ở Kansas đạt doanh thu kỷ lục 400 triệu USD. Giờ đây, Kuhn đang vận hành với một nửa công suất. Kế hoạch xây dựng một cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 4 triệu USD cũng bị Kuhn gác lại.
"Chúng tôi muốn chờ cho tới khi nào mọi chuyện đi theo hướng tốt hơn", ông Petras nói.
Thời gian qua, giới chuyên gia lo ngại thương chiến có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, giới chức Mỹ, bao gồm cả Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), không cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp rơi vào một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, với những người như Petras và công nhân trong nhà máy của ông, kinh tế Mỹ thậm chí có thể đã suy thoái rồi.
Sau hai năm phát triển bùng nổ, bức tranh các nhà máy ở Mỹ đã thay đổi chóng mặt. Tình hình ngày càng bấp bênh khiến các công ty hủy hoặc hoãn kế hoạch đầu tư cơ bản. Đơn hàng giảm sút, đồng USD mạnh lên, và chi phí đầu vào tăng… tất cả đều khiến các nhà máy cắt giảm sản xuất so với năm ngoái.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ cho thấy ngành sản xuất của Mỹ giảm trong tháng 8, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Số liệu từ FED hôm 3/9 cho thấy sản lượng của các nhà máy ở Mỹ giảm 2 quý liên tiếp.
Ông Trump gặp thách thức
Ở nhiều khu vực của Mỹ, sự tăng trưởng mạnh mẽ của việc làm trong ngành sản xuất trong 2 năm đầu ông Trump cầm quyền đã đảo ngược. Trên toàn quốc, ngành sản xuất Mỹ chỉ có thêm 44.000 việc làm trong năm nay, so với con số 170.000 công việc mới được tạo ra cùng kỳ năm ngoái.
Tại 22 bang, trong đó có những bang giữ vai trò quan trọng trong chiến thắng bầu cử của ông Trump vào năm 2016, số người làm việc trong các nhà máy thậm chí đã giảm trong 7 tháng đầu năm nay, theo dữ liệu của tổ chức nghiên cứu Economic Innovation Group.
Đó không phải là điều mà ông Trump đã hứa với cử tri. Từ chính sách thương mại cho tới chương trình cắt giảm thuế và nới lỏng các quy chế giám sát, cam kết lớn của ông Trump về kinh tế là đưa các nhà máy trở về Mỹ.
Thông qua đàm phán lại các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA), thương chiến với Trung Quốc, và các kế hoạch áp thuế quan liên tiếp, chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump đều nhằm thúc đẩy tăng trưởng của ngành sản xuất - một lĩnh vực từng là biểu tượng của nền kinh tế Mỹ.
Cuộc tấn công vào thương mại và toàn cầu hóa mà ông Trump khởi động vào năm 2016 luôn có sự tính toán chính trị, và đã giúp ông giành chiến thắng sát nút trong cuộc đua vào Nhà Trắng với đối thủ Dân chủ Hillary Clinton tại các bang "dao dộng" như Wisconsin. Tuy nhiên, trong lúc ông Trump tìm cách giành thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy ông có thể gặp nhiều thách thức.
Đó là bởi ngành sản xuất Mỹ đang gặp khó, vì chính những nỗ lực vực dậy ngành này của ông Trump. Vì lý do này, lý lẽ của ông về một nền kinh tế mạnh để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri không còn nhiều sức thuyết phục.
Nhưng đến hiện tại, ông Trump vẫn cứng rắn và giữ vững lập trường. Ông xem cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là cần thiết để chống lại một đối thủ kinh tế đang lên. "Đối với tôi, điều này quan trọng hơn nền kinh tế", ông nói với báo giới hôm 4/9. "Phải có ai đó làm việc này".
Ngoài ra, ông Trump cũng chỉ trích mạnh những doanh nghiệp đổ lỗi cho thuế quan vì những khó khăn mà họ gặp phải. Ông gọi những công ty như vậy là "được điều hành kém và yếu ớt", đồng thời đe dọa sẽ buộc các công ty Mỹ phải từ bỏ thị trường Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Mỹ cùng các cố vấn của ông cũng cho rằng FED mới là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ giảm tốc vì FED đã tăng lãi suất quá nhanh trong 2018, khiến đồng USD tăng giá, làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ.
Ngoài ra, ông Trump và các đồng minh cũng nhấn mạnh sự gia tăng việc làm trong ngành sản xuất Mỹ kể từ khi ông lên cầm quyền. Theo Bộ Lao động Mỹ, từ khi ông Trump nhậm chức đến hết tháng 8 năm nay, ngành sản xuất Mỹ có thêm 485.000 công việc mới.
Có một điều trớ trêu là thương chiến của ông Trump đã góp phần tạo ra một tình thế tương tự như tình thế đã giúp ông đắc cử vào năm 2016.
Khi ra tranh cử Tổng thống cách đây 3 năm, ông Trump hưởng lợi từ sự hồi phục chậm chạp và không đều của kinh tế Mỹ kể từ sau cuộc suy thoái trước đó. Ngành sản xuất Mỹ khi đó đang ì ạch, và những lời hứa mà ông Trump đưa ra đã nhanh chóng giúp ông có được sự ủng hộ của giới công nhân.
"Tình hình ngày càng bấp bênh"
Lần gần đây nhất Mỹ chứng kiến 2 quý liên tiếp giảm sản lượng công nghiệp như năm nay là vào nửa đầu năm 2016. Năm đó, Mỹ mất 30.000 công việc trong ngành sản xuất do giá dầu sụt giảm khiến các dự án khai thác dầu khí ngưng trệ và các ngành cung cấp cho các mỏ dầu, như ngành thép, "vạ lây". Tuy nhiên, trong năm 2016 không có quý nào mà sản lượng công nghiệp Mỹ giảm mạnh như mức giảm 3,1% ghi nhận trong quý 2 năm nay.
Trên toàn quốc, lượng việc làm trong các nhà máy ở Mỹ vẫn đang tăng. Nhưng trong chính trị, tính thời điểm và địa lý có vai trò quan trọng. Phần lớn việc làm mới trong ngành sản xuất đều được tạo ra trong 2 năm đầu cầm quyền của ông Trump, và sự tăng trưởng việc làm này giờ đã bị đảo ngược ở các bang như Pennsylvania - nơi mất 8.000 việc làm trong ngành sản xuất trong 7 tháng đầu năm nay.
Một cuộc khảo sát của viện nghiên cứu Brookings Institution cho thấy ông Trump chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi tình hình của ngành công nghiệp so với bất kỳ một ứng cử viên Dân chủ nào khác. Trên phạm vi toàn quốc, ngành sản xuất chiếm khoảng 12% tổng số việc làm tại các khu vực bầu cử chọn ông Trump trong cuộc bầu cử vào năm 2016, so với tỷ lệ 7% tại các khu vực chọn bà Hillary Clinton.
Thương chiến đã khiến ông Trump mất đi ít nhất một lá phiếu trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020. Ông Petras, 56 tuổi, nói rằng ông đã bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016, nhưng đến năm 2020, ông dự tính sẽ bỏ phiếu cho một ứng cử viên Dân chủ.
Doanh số nhà máy Kuhn của ông Petras đang sụt giảm nghiêm trọng do nhu cầu thiết bị nông nghiệp đi xuống. Nguyên nhân nằm ở việc thương chiến Mỹ-Trung khiến Trung Quốc ngừng nhập nông sản Mỹ.
Chính quyền ông Trump đã tung các gói hỗ trợ nông dân, nhưng thương chiến leo thang mạnh trong mùa hè năm nay khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, ông Petras cho hay. "Tình hình ngày càng bấp bênh. Điều này không tốt cho nền kinh tế chút nào", ông nói.