15:32 13/11/2009

“Ngập” chất vấn về thủy điện

Minh Thúy

Rất nhiều những bức xúc của cử tri và đại biểu Quốc hội đã được thể hiện trong hàng chục chất vấn liên quan đến thủy điện

Đập dâng và tràn thủy điện A Vương nhìn từ hạ lưu (ảnh chụp tháng 6/2008).
Đập dâng và tràn thủy điện A Vương nhìn từ hạ lưu (ảnh chụp tháng 6/2008).
Rất nhiều những bức xúc của cử tri và đại biểu Quốc hội đã được thể hiện trong hàng chục chất vấn liên quan đến thủy điện.

Trong số gần 250 chất vấn của đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ, những chất vấn liên quan đến các nhà máy thủy điện dẫn đầu về độ dài của câu chữ và đậm đặc độ… lo ngại.

Phát triển thủy điện vừa và nhỏ cũng là một trong số các nhóm vấn đề dự kiến sẽ được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

“Đánh cược với thiên nhiên”

Một số dự án thủy điện lớn, nhỏ đã, đang và sẽ triển khai ở miền Trung và Tây Nguyên là “đánh cược với thiên nhiên, mà phần thua chắc chắn thuộc về con người”, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu vấn đề trước khi hỏi giải pháp của Bộ Công Thương về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) chuyển yêu cầu của cử tri yêu cầu làm rõ trách nhiệm của ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thủy điện A Vương và sự chỉ đạo của Bộ Công thương về việc xả lũ của Nhà máy Thủy điện A Vương trong cơn bão số 9 vừa qua.

Việc làm này đưa đến thiệt hại 800 tỷ đồng trong tổng số 3.500 tỷ đồng của tỉnh Quảng Nam, theo đại biểu Nhơn là lớn. “Nhưng lớn hơn là tính mạng của người dân không thể tính toán được nếu quân đội không sơ tán kịp”, đại biểu Nhơn nói.

Đại biểu Võ Tiến Trung cụ thể hơn, ngày 28/9 nước ở hồ A Vương rất cao, hạ lưu mới dưới báo động cấp 3 thì không chịu xả lũ, đến ngày 30/9 hạ lưu đã trên báo động 3 thì xả lũ ào ạt dẫn đến nước trên báo động 3 là 3,5m.

“Địa phương cho rằng Thủy điện Hòa Bình là do Nhà nước chỉ đạo điều hành trực tiếp nên kết hợp được hai nhiệm vụ sản xuất điện và chống lũ lụt, còn các nhà máy khác do Bộ Công Thương điều hành nên bộ chỉ nghĩ đến một lợi ích đó là sản xuất điện”, đại biểu Trung đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “cho ý kiến về nhận xét trên”.

Đề nghị có ủy ban điều tra

Từ đầu kỳ họp thứ sáu đến nay, các nhà máy thủy điện ở miền Trung đã từng là tâm điểm tại nhiều cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng lũ lớn không phụ thuộc vào nhà máy thủy điện. “Thủy điện sông Ba ở phía Nam của Tuy Hòa, xả nước ầm ầm có gây chết ai đâu”.

Liên quan đến thủy điện A Vương, Phó thủ tướng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đoàn kiểm tra, xác định hồ A Vương xả đúng quy trình, tức là trước khi lũ về, đã đưa về mức nước chống lũ. Khi lũ về, đã dùng hết dung tích chống lũ rồi, mức nước lên nữa mới mở xả.

“Nhưng vừa rồi thủy điện chưa cắt được hết lũ, điều đó đúng. Không một nhà máy thủy điện nào lại cắt được hết lũ trên đời này. Nó chỉ làm đúng chức năng, nhiệm vụ của nó thôi, còn hơn là không có nó”,  Phó thủ tướng nói.

Cũng trả lời báo chí, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Đình Xuân lại đưa ra ví dụ như trên sông Ba vừa rồi có tới 9 hồ thuỷ điện trên một dòng sông nhưng lại không có một "nhạc trưởng", hồ dưới không biết khi nào hồ trên xả nên thấy trên xả là dưới cũng xả theo.

Theo tính toán của đại biểu Xuân thì khi lấy 1.000 ha làm lòng hồ thuỷ điện thì sẽ mất thêm 1000 đến 2.000 ha đất rừng hay nông nghiệp ở thượng nguồn .Như vậy rừng còn quá ít. Vì thế theo tính toán ban đầu có thể với diện tích rừng như vậy thì phải 1.000 năm mới có một trận lũ như vậy nhưng do rừng bị tàn phá quá nhanh và quá nhiều nên khi không còn rừng thì hồ thuỷ điện đó chỉ chịu được lũ 10 năm thôi. Và tất cả các quy hoạch, tính toán ban đầu đã bị phá vỡ.

Trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Công Thương. "Bộ quản lý, điều hành các thuỷ điện nên phải có trách nhiệm trả lời trước cử tri, sau đó mới nói tới trách nhiệm của UBND tỉnh", ông Xuân nói.

Vị đại biểu này cũng cho rằng cần có một ủy ban điều tra liên ngành để điều tra thực trạng vận hành thuỷ điện có sai sót gì không. “Trước mắt, tôi đề nghị tạm dừng các dự án thuỷ điện miền Trung để chờ kết luận cuộc điều tra, sau đó mới tính làm gì tiếp theo. Tôi cũng đề nghị Quốc hội thành lập một ủy ban lâm thời điều tra về hiện trạng thuỷ điện, rừng, quản lý đất đai, tài nguyên... ở khu vực miền Trung”, ông Xuân nhấn mạnh.