12:25 13/11/2009

Tâm điểm chất vấn: Quản lý báo chí, ngoại hối, thủy điện…

Nguyên Hà

Hết ngày 11/11 đã có 246 chất vấn của 108 đại biểu gửi đến Thủ tướng, các phó thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành

Công tác quy hoạch phát triển thủy điện là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội muốn Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ.
Công tác quy hoạch phát triển thủy điện là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội muốn Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ.
Triển khai gói kích cầu thứ nhất, quản lý thị trường ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý báo chí, quy hoạch phát triển thủy điện… là các vấn đề trọng tâm dự kiến được chất vấn tại kỳ họp này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tính đến hết ngày 11/11 đã có 246 chất vấn của 108 đại biểu ở 42 đoàn gửi đến Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành.

Trong đó, Thủ tướng nhận được 36 chất vấn. Các vị nhận được nhiều chất vấn là bộ trưởng các bộ Công Thương (29 chất vấn), Lao động - Thương binh và xã hội (22), Giao thông Vận tải (20)…

Cùng với Thủ tướng Chính phủ, dự kiến 4 thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp này là: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vì sao nông dân khó tiếp cận vốn kích cầu?

Theo dự kiến vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời về triển khai gói kích cầu thứ nhất. Xem xét từ chức năng và trách nhiệm của ngành về việc doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất.

Công tác quản lý Nhà nước về thị trường ngoại tệ, trong đó có vấn đề quan hệ mua bán ngoại tệ giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với các ngân hàng thương mại cũng nằm trong nhóm vấn đề Thống đốc sẽ trả lời.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đánh giá việc điều hành lãi suất ngân hàng trong điều kiện vừa đảm bảo yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh vừa ngăn ngừa lạm phát cao trở lại.

Hết ngày 11/11, đã có 12 chất vấn gửi đến Thống đốc. Trong đó, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ hiệu ứng, hiệu quả, tác động của việc cho vay hỗ trợ lãi suất.

Hạn chế tác động tiêu cực của thủy điện nhỏ

Cũng theo dự kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ đăng đàn trả lời về quản lý và phát triển thị trường nội địa, xuất nhập khẩu, phát triển thủy điện vừa và nhỏ.

Bộ trưởng Hoàng sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý của bộ trước tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đưa ra các giải pháp khắc phục.

Công tác quy hoạch phát triển thủy điện và việc thực hiện quy hoạch, trong đó có việc xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ để hạn chế tác động tiêu cực làm thay đổi hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, gây lũ lụt… cũng được Quốc hội yêu cầu vị bộ trưởng này phải làm rõ.

"Công" và "tội' của nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, kèm theo trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là nội dung tại nhiều chất vấn đã được gửi đến Bộ trưởng Hoàng.

Quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, thi đua, khen thưởng, cải cách thủ tục hành chính nằm trong nhóm vấn đề Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn sẽ trả lời trước Quốc hội.

Lần đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý báo chí, việc kiểm tra xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật về báo chí.

Kiểm soát và ngăn chặn tác hại của các websitre có nội dung xấu,  xuất bản văn hóa phẩm, hạ tầng viễn thông… đều nằm trong phần trả lời của vị bộ trưởng này.

Trong số 5 chất vấn bằng văn bản được gửi trước cho bộ trưởng Hợp, có vị đại biểu đề nghị Bộ trưởng "có biện pháp quản lý báo chí" vì những thông tin không chính xác trên các phương tiện truyền thông có thể gây tổn thất lớn cho người sản xuất, nhất là đông đảo nông dân.

Ngay sau khi các đại biểu Quốc hội hồi âm (chậm nhất là sáng nay, 12/11) danh sách những người trả lời chất vấn và nội dung trả lời sẽ được “chốt’. Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy bên lề cuộc họp sáng nay, một số vị đại biểu tỏ ra hơi sốt ruột vì vẫn đang phải chờ. “Mình chuẩn bị câu hỏi rồi nhỡ trật nhóm vấn đề thì sao”, đại biểu Danh Út băn khoăn.