Ngày đầu “Davos trên sa mạc”, Saudi Arabia ký loạt thỏa thuận 50 tỷ USD
Đây được xem là một khởi đầu thành công, trong bối cảnh Riyadh đối mặt với phản ứng giận dữ của phương Tây về vụ Khashoggi
Ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị đầu tư "Davos trên sa mạc", Saudi Arabia đã ký được một loạt thỏa thuận có tổng trị giá 50 tỷ USD với các công ty toàn cầu. Đây được xem là một sự khởi đầu thành công của hội nghị, trong bối cảnh Riyadh đối mặt với phản ứng giận dữ của phương Tây về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Theo tin từ trang CNN Business, công ty dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia ngày 23/10 tuyên bố đã ký 15 biên bản ghi nhớ với tổng trị giá 34 tỷ USD với đối tác từ 8 quốc gia trong đó có Mỹ. Ngoài ra, Giám đốc điều hành (CEO) Amir Nasser của Aramco tiết lộ rằng số thỏa thuận được ký cùng ngày trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế Saudi Arabia đat tổng trị giá 16 tỷ USD.
Hội nghị mang tên "Sáng kiến đầu tư tương lai" (FII) đã khai mạc tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia nhằm thúc đẩy chiến lược cải tổ nền kinh tế nước này theo sự khởi xướng của thái tử Mohammed bin Salman. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng này được mệnh danh là "Davos trên sa mạc" - như một sự so sánh với hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra hàng năm ở Davos, Thụy Sỹ. Mục đích của hội nghị là tìm kiếm những cơ hội kinh doanh để giảm bớt sự phụ thuộc của kinh tế Saudi Arabia vào dầu lửa.
Trong số những công ty ký kết thỏa thuận với Aramco lần này có các công ty dịch vụ mỏ dầu hàng đầu của Mỹ gồm Halliburton, Schlumberger và Baker Hughes. Tập đoàn Air Products của Mỹ sẽ hợp tác với Aramco trong một dự án phát điện bằng khí gas.
Hãng dầu lửa Total của Pháp thì đã nhất trí bắt đầu nghiên cứu xây dựng một khu liên hợp hóa dầu ở Saudi Arabia, đồng thời hợp tác với Saudi Aramco để xây dựng một mạng lưới trạm bán lẻ xăng ở nước này. Công ty Hyundai Heavy Industries từ Hàn Quốc dự định sẽ phát triển một cơ sở hàng hải ở Saudi Arabia.
Các công ty còn lại ký thỏa thuận với Aramco là các công ty đến từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
Việc Saudi Aramco ký loạt thỏa thuận lớn cho thấy ngành công nghiệp dầu lửa khổng lồ của Saudi Arabia vẫn giữ vai trò to lớn trong nền kinh tế nước này, dù thái tử Mohammed muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu lửa. Kể từ khi được trao quyền điều hành đất nước, thái tử Mohammed đã đầu tư mạnh vào các dự án du lịch trong nước và các công ty công nghệ nước ngoài nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.
Saudi Arabia xem FII là một dịp để nhấn mạnh những sáng kiến đó và "khoe" với thế giới các nỗ lực hiện đại hóa của mình. Tuy nhiên, vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã phủ bóng lên hội nghị.
Các nhà tổ chức FII hy vọng hội nghị sẽ diễn ra suôn sẻ dù hàng loạt khách VIP, bao gồm CEO của các ngân hàng, quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn của phương Tây, từ HSBC tới Blackrock, đã hủy kế hoạch tham dự. Thay vào đó, một số ngân hàng và công ty như JPMorgan Chase và HSBC cử các nhà điều hành cấp thấp hơn tới sự kiện này.
Các công ty Mỹ và châu Âu rõ ràng muốn giữ nguyên các kênh liên lạc với Riyadh, bất chấp những rắc rối từ vụ Khashoggi. Một số nhấn mạnh mối quan hệ đã có nhiều thập kỷ với Chính phủ Saudi Arabia, cũng như số lượng nhân viên lớn ở nước này.
Mối quan hệ kinh doanh với Saudi Arabia là đặc biệt mạnh đối với những công ty trong lĩnh vực dầu lửa và vũ khí. CEO của công ty công nghiệp quốc phòng Mỹ Raytheon, ông Thomas Kennedy, vẫn có tên trong danh sách diễn giả tại FII.