16:52 03/12/2024

Vaccine sốt xuất huyết là vũ khí mới để phòng bệnh hiệu quả

Thu Hằng

Bộ Y tế tiếp tục quan tâm và có những đánh giá để báo cáo Chính phủ xem xét có thể đưa vaccine phòng sốt xuất huyết vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Như vậy, người dân sẽ được tiêm miễn phí, giảm gánh gặng tài chính...

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết Bộ Y tế sẽ đánh giá và báo cáo Chính phủ đưa vaccine phòng sốt xuất huyết vào Chương trình tiêm chủng. Ảnh: VGP.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết Bộ Y tế sẽ đánh giá và báo cáo Chính phủ đưa vaccine phòng sốt xuất huyết vào Chương trình tiêm chủng. Ảnh: VGP.

Tại tọa đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 3/12, các chuyên gia đã phân tích, bàn luận để tìm ra những giải pháp phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả căn bệnh này.

NHIỀU THÁCH THỨC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT

Với kinh nghiệm của một chuyên gia dịch tễ lâu năm tại Việt Nam, GS.TS. Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học dự phòng Việt Nam, cho biết hiện có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình hình sốt xuất huyết và rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, về xu hướng toàn cầu, năm 1970 chỉ có 9 quốc gia ghi nhận có sốt xuất huyết nặng, nhưng hiện nay có trên 130 nước ghi nhận sốt xuất huyết lưu hành. Ước tính, có khoảng 400 triệu ca mắc hằng năm.

Việt Nam cũng lần đầu ghi nhận sốt xuất huyết vào năm 1958, sau đó trở thành bệnh lưu hành trên toàn quốc. Trước đây, chu kỳ từ 10-12 năm có 1 vụ dịch lớn, nhưng gần đây, từ năm 2019 đến 2023 đã có 2 vụ dịch lớn, đó là năm 2019 với hơn 300.000 ca và năm 2022 là 370.000 ca mắc, 150 ca tử vong.

Theo GS. Vũ Sinh Nam, dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay có thay đổi. Trước đây, chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP. Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Thứ hai, việc phòng chống vector. Sốt xuất huyết do muỗi truyền và phòng chống vector hiện nay rất khó khăn, vì muỗi sốt xuất huyết không giống muỗi truyền sốt rét hay viêm não Nhật Bản là trú động ngoài nhà, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết trú động trong nhà, thích hút máu người, sinh sản và đẻ trứng dưới nước do con người làm ra.

 GS.TS. Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết. Ảnh: VGP.
 GS.TS. Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết. Ảnh: VGP.

Thứ ba, tình hình đô thị hóa không được kiểm soát, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu, đặc biệt là vấn đề giao thông đi lại tạo điều kiện cho vector phát tiển và lan rộng nhanh chóng.

Thứ tư, hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 type virus khác nhau và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi type là rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các type virus đang gây ra là rất khó khăn.

Từ đơn vị tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết ở phía Nam, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết đặc điểm ở miền Nam gần như là tất cả các lứa tuổi mắc sốt xuất huyết.

“Chúng tôi gặp những ca trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ đã có triệu chứng sốt xuất huyết do người mẹ bị nhiễm trong lúc mang thai, trong lúc đang sinh. Đến nay, số ca sốt xuất huyết ở miền Nam chiếm 60-70 % là trẻ dưới 15 tuổi”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng thông tin.

Trong khi đó, ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, người lớn lại chiếm số lượng nhiều. Như vậy, có thể nói là tất cả người dân ai cũng có thể bị sốt xuất huyết, từ trẻ cho đến lớn.

Đặc biệt, những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh, tim bẩm sinh, thiếu máu, hen suyễn… hoặc người lớn suy thận là những nhóm đối tượng nguy cơ rất cao.

THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, KẾT HỢP TIÊM PHÒNG VACCINE

Trong bối cảnh đó, vào tháng 5/2024 vừa qua, vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, bắt đầu được triển khai tiêm chủng từ cuối tháng 9 cho người dân tại các đơn vị tiêm chủng công lập và tư nhân trên toàn quốc.

Thông tin rõ hơn về loại vaccine này, ông Dion Warren, Tổng Giám đốc khu vực Ấn Độ - Đông Nam Á (I-SEA), Takeda, cho biết hiện nay, vaccine đã chính thức được phê duyệt lưu hành tại 40 quốc gia, bao gồm các nước ở khu vực Nam Mỹ, châu Âu, đặc biệt là Đông Nam Á.

Tại khu vực này, các quốc gia như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đã đưa vaccine này vào chương trình y tế nhằm đối phó với bệnh sốt xuất huyết. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu đã mở rộng đáng kể phạm vi chỉ định sử dụng vaccine này, tạo tiền đề cho việc áp dụng rộng rãi. Đồng thời, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật khuyến cáo về phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó đặc biệt khuyến nghị sử dụng vaccine này tại các khu vực có gánh nặng bệnh cao, như Việt Nam.

Ngoài ra, WHO cũng đã công nhận và thông qua quy trình thẩm định vaccine, đánh giá cao mức độ an toàn và chất lượng của sản phẩm. “Điều này cho phép vaccine được sử dụng tại cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân, mở rộng cơ hội tiếp cận và mang lại lợi ích sức khỏe cho hàng triệu người trên toàn thế giới”, ông Dion Warren nói.

Theo dữ liệu của Công ty Takeda, vaccine TAK 003 có tác dụng bảo vệ nhiễm virus Dengue đến 80,2% và chống nhập viện là 90,4%. Đến nay, chưa có trường hợp nào có phản ứng nặng hoặc trầm trọng được ghi nhận.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức, đánh giá đây là một tin vui với người dân và ngành Y tế. Theo ông Đức, mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 200.000 trường hợp mắc, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn.

“Cách đây 7 năm, chúng tôi đã có một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế - xã hội rất lớn”, ông Đức thông tin.

Hiện vaccine này đang được đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, người dân tự trả tiền. Vaccine hiệu quả và giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam.

Ông cho biết thêm hiện Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, và có những đánh giá để báo cáo Chính phủ xem xét có thể đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm bắt buộc cho người dân.

“Việc này đang trong quá trình đánh giá và báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, việc có đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm bắt buộc cho người dân, Nhà nước bỏ tiền ra mua hay không cần có thêm thông tin, như gánh nặng bệnh tật, hiệu quả với cộng đồng, gánh nặng về tài chính để Chính phủ có thể quyết định”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, GS. Vũ Sinh Nam cho rằng vaccine là vũ khí mới để phòng bệnh hiệu quả, song nếu chỉ sử dụng vaccine thì không thể toàn diện được, bởi vẫn còn muỗi, bọ gậy, vẫn còn virus thì vẫn còn nguy cơ cao. Vì vậy, ngoài tiêm vaccine, ông cho rằng cần song song với biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để đảm bảo tính bền vững khi sử dụng vaccine.