Cách tính lương hưu theo Luật mới từ 1/7/2025
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 quy định, người lao động được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ 2 điều kiện. Đó là đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động (60 tuổi với nữ, 62 tuổi với nam); và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên...
Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng thông tư hướng dẫn để triển khi thực hiện chính sách mới này.
QUY ĐỊNH TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC ĐÓNG MỘT LẦN CHO SỐ THÁNG CÒN THIẾU ĐỂ HƯỞNG LƯƠNG HƯU
Theo Luật mới, lao động nữ được hưởng mức lương hưu tối thiểu là 45%, tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Đối với lao động nam, để hưởng mức bằng 45% cần 20 năm đóng. Cả lao động nam và nữ sau khi đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%. Mức tối đa bằng 75%.
Riêng lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% tương ứng 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu, thì họ được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu.
Mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động, và người sử dụng lao động trước khi người lao động nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo đó, người lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 14 năm 6 tháng đến dưới 15 năm, số tháng còn thiếu có thể đóng một lần để nhận lương hưu.
Trường hợp người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, thì phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 19 năm 6 tháng đến dưới 20 năm.
Thời điểm đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu sớm nhất là tháng trước liền kề tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.
Về cách tính lương hưu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ví dụ: Trường hợp bà A 55 tuổi, làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, có 32 năm 4 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/10/2025.
Tỷ lệ hưởng lương hưu của bà A được tính như sau: 15 năm đầu được tính bằng 45%. Từ năm thứ 16 đến năm thứ 32 là 17 năm, tính thêm: 17 x 2% = 34%; 4 tháng được tính là nửa năm, tính thêm: 0,5 x 2% = 1%. Tổng các tỷ lệ trên là: 45% + 34% + 1% = 80% (chỉ tính tối đa bằng 75%).
Bà A nghỉ hưu trước tuổi quy định (56 tuổi 8 tháng) là 1 năm 8 tháng nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm: 2% + 1% = 3%.
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A là 75% - 3% = 72%. Ngoài ra, do bà A có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 30 năm (2 năm 4 tháng) nên ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần là: 2,5 năm x 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Hay trường hợp khác là ông B 61 tuổi 3 tháng, làm việc trong điều kiện bình thường, có 18 năm 4 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/9/2025.
Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông B được tính như sau: 15 năm đầu được tính bằng 40%. Từ năm thứ 16 đến năm thứ 18 là 3 năm, tính thêm: 3 x 1% = 3%; 4 tháng được tính là nửa năm, tính thêm: 0,5 x 1% = 0,5%. Tổng các tỷ lệ trên là: 40% + 3% + 0,5% = 43,5%. Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông B là 43,5%.
Tương tự, ông K nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 4/2027 khi đủ 55 tuổi. Ông có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; bị suy giảm khả năng lao động 81%.
Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông K được tính như sau: 20 năm đầu được tính bằng 45%. Từ năm thứ 21 đến năm thứ 30 là 10 năm, tính thêm: 10 x 2% = 20%. Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 20% = 65%.
Ông K nghỉ hưu trước tuổi 56 tuổi 9 tháng (tuổi nghỉ hưu năm 2027 của người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) là 1 năm 9 tháng, nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 2% + 1% = 3%. Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông K là 65% - 3% = 62%.
TĂNG MỨC TRỢ CẤP MỘT LẦN KHI NGHỈ HƯU
Cũng theo Luật mới, trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định, mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, thì mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ được tính cụ thể như sau:
Mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam, và cao hơn 30 năm đối với nữ trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam, và cao hơn 30 năm đối với nữ kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ví dụ: Ông D làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu có 38 năm đóng bảo hiểm xã hội, nhưng ông D không nghỉ việc hưởng lương hưu, mà tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội thêm 3 năm mới nghỉ việc hưởng lương hưu.
Khi nghỉ việc hưởng lương hưu, ông D có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 41 năm. Như vậy, ngoài lương hưu ông D còn được hưởng trợ cấp một lần được tính như sau:
3 năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, mỗi năm bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội: 3 năm x 0,5 = 1,5.
3 năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, mỗi năm bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội: 3 năm x 2 = 6.
Như vậy, ông D được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 7,5 (1,5 + 6) lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.