11:41 01/01/2015

Ngỡ ngàng với lạm phát thấp

Lê Hường

CPI tăng thấp hơn tốc độ tăng của GDP là hiện tượng hiếm gặp trong nhiều năm qua

Trong năm 2014, có 9 tháng CPI tăng giá và 3 tháng chỉ số này ở mức âm.
Trong năm 2014, có 9 tháng CPI tăng giá và 3 tháng chỉ số này ở mức âm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 đã có những bước đi rất chậm và gây bất ngờ khi chu kỳ tăng giá cuối năm đã không lặp lại. Thay và đó, bước lùi đáng kể của hai tháng 11 và tháng 12 đã góp phần kéo CPI cả năm ở mức thấp nhất kể từ năm 2001 đến nay.

Đây là một năm thành công của ổn định giá cả sau nhiều năm tăng giá cao và bất thường. Đáng chú ý, CPI tăng thấp hơn tốc độ tăng của GDP là hiện tượng hiếm gặp trong nhiều năm qua.

Không còn là con ngựa bất kham


Trong năm 2014, có 9 tháng CPI tăng giá và 3 tháng chỉ số này ở mức âm. Mức độ tăng, giảm giá nhẹ nhàng. Ngoài hai tháng đầu có mức tăng trên 0,5%, các tháng còn lại đều tăng giảm giá không quá 0,5% và xuất hiện tình trạng giảm giá vào hai tháng cuối năm – điều này từng xảy ra ở năm 2008 khi kinh tế trong nước chịu tác động từ khủng hoảng tài chính thế giới.  

Sau nhiều năm tăng cao và bất thường, CPI 2014 đã chuyển hướng sang một nhịp độ biến động khác. CPI bình quân năm 2014 chỉ tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2013. Loại bỏ những cú sốc về tăng giá của vài mặt hàng là xăng dầu, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thì mặt bằng chung về giá hàng hóa, dịch vụ năm 2013 cũng chỉ tăng từ 3-4%, gần tương đương với mức tăng năm 2014.

Đánh giá về xu hướng này, PGS.TS Ngô Trí Long nói: “Đây là mức lạm phát thấp kỷ lục, thấp hơn nhiều so với nghị quyết của Quốc hội đã đề ra và thấp ngoài dự kiến. Nếu so với mặt bằng chung về mức lạm phát của khu vực và thế giới là tương đồng. Lạm phát không còn là con ngựa bất kham”.

Bình luận về kết quả lạm phát năm nay, TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là một trong những thành tích kinh tế nổi bật của năm, lạm phát đã được kiềm chế một cách vững chắc, thông qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đáng chú ý, lạm phát tính theo năm có xu hướng giảm đều đặn trong suốt cả năm, đưa CPI bình quân cả năm ở mức dưới 5% ngay từ tháng 3/2014 và chỉ còn hơn 4% vào cuối năm.

“Rõ ràng, lạm phát đã được kiềm chế chắc chắn hơn nhiều so với năm 2012 hay năm 2013 với kết quả đạt được thấp xa so với con số mục tiêu của cả năm là 7%”, ông Ánh nói. “Thành công trong kiềm chế lạm phát năm 2014 là kết quả tất yếu của hàng loạt biện pháp tiếp tục được thực hiện nhất quán theo chủ trương giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời phục hồi tăng trưởng kinh tế”.

Trong khi đó, không hoàn toàn lạc quan về diễn biến này, bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng: “CPI tăng thấp là so với chính chúng ta, còn so với trong khu vực, CPI của Việt Nam vẫn ở mức cao hơn Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei, tương đương với Campuchia và thấp hơn các nước Indonesia, Lào, Myanmar”.

“Đây cũng là điều cần phải suy ngẫm, trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, biến động giá cả của Việt Nam vẫn cao hơn là điều cần xem xét”, bà Dương nói.

Tổng cầu yếu, tăng trưởng không cao

Về nguyên nhân của lạm phát thấp trong tương quan với tổng cầu của nền kinh tế,  theo Tổng cục Thống kê,  việc lo ngại lạm phát thấp do tổng cầu thấp là không có cơ sở. Nếu nhìn vào số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng về lượng vẫn cao hơn các năm trước.

Năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá ước tăng 6,5%. Con số này cao hơn mức tăng của các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 4,7%, 6,2% và 5,6%, trong khi đó, lạm phát của các năm này lần lượt là 18,13%, 6,81% và 6,04%. Như vậy CPI năm 2014 tăng thấp không phải do nhu cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, không đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, CPI tăng thấp có đóng góp đáng kể từ sức yếu của cầu trong nước. TS.Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế - Tài chính khẳng định: “Nguyên nhân chính là do cầu tiêu dùng vẫn yếu và chưa được cải thiện nhiều”.

Theo ông Tuyến, những năm trước khủng hoảng (2006-2007) tốc độ tăng trưởng tiêu dùng hàng năm là trên 14%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng đạt mức 6,98% và 7,13%.

Từ năm 2010 tới nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiêu dùng có cải thiện và tăng lên về số tương đối, song năm 2014, tốc độ tăng cầu tiêu dùng vẫn chỉ đạt mức 6,5%. Như vậy, có thể khẳng định cầu tiêu dùng yếu là nguyên nhân đầu tiên tác động làm CPI năm 2014 đạt mức thấp.

Giá xăng dầu giảm mạnh. Việc giá dầu thô giảm thấp đã kéo theo giá xăng dầu nhập khẩu giảm và do vậy giá xăng trong nước có lúc đã đạt gần 26.000 đồng/lít nay chỉ còn gần 18.000 đồng/lít. Giá xăng giảm trên 30% đã làm cho giá cả nhiều sản phẩm tiêu dùng giảm theo và chỉ số giá tiêu dùng các tháng... giảm.

Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% trong cả năm 2014 là hoàn toàn trong tầm tay. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng tín dụng 25-30% của các năm trước khủng hoảng tài chính thế giới, mức tăng 2014 vẫn thấp. Hơn nữa tăng trưởng tín dụng phần lớn tập trung vào cuối năm còn các tháng trong năm có tốc độ tăng rất chậm.

Chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ cũng là một trong những nguyên nhân khiến CPI tăng thấp. Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng đầu tiên trong chính sách phát triển kinh tế 2014 nên chính sách tài khóa luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Hơn nữa, thu ngân sách cũng gặp khó khăn so với trước, song nhu cầu chi tiêu vẫn lớn, do vậy, thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao và nợ công đã tới mức giới hạn nên Chính phủ không thể tiếp tục nới lỏng chỉ tiêu để đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho cầu tiêu dùng thấp và giá cả khó có cơ hội tăng cao.

Cùng quan điểm này, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh, việc kiềm chế lạm phát thấp do thắt chặt chính sách tiền tệ khiến cho nguồn cầu của người tiêu dùng yếu đi, đầu tư của doanh nghiệp và chi tiêu của Chính phủ bị thu hẹp.

Cần thấy rõ, bản chất lạm phát quá thấp do tổng cầu chưa được cải thiện, không phải do năng suất chất lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh được nâng lên làm cho chi phí sản xuất và giá thành hạ.

Thu nhập hạn chế làm người dân thắt lưng buộc bụng, luồng vốn thu hẹp làm doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, chi tiêu công hạn chế nên đã giảm sức ép tăng giá. “Giảm được lạm phát thấp bằng cách này rõ ràng là không bền vững”, ông Long nói.  

Xem xét sự tương quan giữa lạm phát và tăng trưởng, ông Ngô Trí Long đánh giá: “Việc kiểm soát lạm phát năm nay chỉ mới thành công một nửa do tăng trưởng kinh tế chưa được cải thiện rõ”.

Lạm phát thấp không phải do hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh được nâng cao, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, chất lượng sản phẩm được nâng cao.

Bên cạnh đó, chú trọng quá đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng, trong tương lai có thể gây mất cân đối cung cầu hàng hóa và tạo ra lạm phát do thiếu cung.

CPI năm 2015 tiếp tục ở mức thấp


Ngày 17/12, tại cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo CPI năm 2015 sẽ ở mức khoảng 4%. Bình luận về dự báo này, bà Ngô Thị Ánh Dương cho biết ở dự báo này được đưa ra vào thời điểm cuối năm, khi xu hướng lạm phát thấp đang được củng cố.

Tuy nhiên, năm 2014 là năm mà các yếu tố dịch bệnh, thời tiết, giá xăng dầu dường như đều tác động có lợi đối với CPI. Điều này chưa hẳn đã lặp lại trong năm 2015.

Xét trong bảng cân đối liên ngành, khi giá bán điện năm 2015 tăng 9,5% sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên khoảng 0,55%, làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình là 0,58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,45%.

Mặt khác, nếu lạm phát 2015 vẫn ở mức thấp sẽ là cơ hội để ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Nếu lãi suất cho vay giảm 1% sẽ có tác động  tổng hợp tới nền kinh tế, làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%.

Với tiêu dùng, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn. Cầu tăng lại có tác động tích cực tới mở rộng sản xuất và kéo theo tăng trưởng tốt hơn.

“Vì vậy, trong mối quan hệ kinh tế liên ngành, giá tăng thấp sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức”, bà Dương lưu ý.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến, năm 2015, kinh tế thế giới đã và đang trong quá trình phục hồi song còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá dầu giảm được dự báo sẽ kéo dài trong một thời gian và có thể trong vài năm tới. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ không có nhiều đột biến so với năm 2014.

Năm 2015, tín dụng cũng chưa có tín hiệu dự báo tăng trưởng mạnh. Mặt khác, chính sách tài khóa thắt chặt sẽ được duy trì. Nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách luôn vượt khả năng cân đối thu, thâm hụt cao và liên tục diễn ra, nợ công đã sát trần quy định.

Do vậy, Chính phủ không thể mạo hiểm nới lỏng chi ngân sách, ngược lại, phải duy trì chính sách tài khóa thắt chặt để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức vừa phải hạn chế rủi ro cho nền kinh tế.

Với những lý do đó, ông Tuyến cho rằng, dự báo CPI năm 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp, có thể giao động từ 2-3%. Mức lạm phát này có thể kéo dài trong một số năm và cũng nhiều khả năng sẽ suốt giai đoạn 2016-2020.

Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiếm soát một cách triệt để.