Ngoài Trung Quốc, ông Trump phải giải quyết căng thẳng với những nước nào?
Tổng thống Mỹ đang trong thời điểm quan trọng khi thực hiện chính sách nhằm định hình lại các mối quan hệ thương mại của Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2020
Trung Quốc không phải là đối tác thương mại lớn duy nhất rơi vào chiến tranh thương mại với Mỹ kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Kêu gọi thương mại công bằng từ chiến dịch tranh cử năm 2016, từ khi trở thành chủ Nhà Trắng, ông Trump đã có nhiều biện pháp để thực hiện điều này, bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa từ các đối tác lớn như Canada, Mexico, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản...
Theo CNBC, ông Trump đang trong thời điểm quan trọng khi thực hiện các chính sách nhằm định hình lại các mối quan hệ thương mại của Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Tổng thống Mỹ phải đối mặt với những khó khăn khi làm theo lộ trình thương mại của mình, đồng thời tránh làm tổn hại tới nền kinh tế Mỹ.
Hiện chính quyền của ông Trump đã áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ EU và dự kiến sẽ quyết định áp thuế lên ôtô từ khu vực này hay không trong vài ngày tới. Dưới đây là các quốc gia và khu vực mà ông Trump sẽ phải đưa ra quyết định về các xung đột thương mại trong vài tháng tới.
Trung Quốc
Ngày 13/5, Bắc Kinh tuyên bố tăng thuế tới 25% lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Đây là động thái đáp trả Mỹ sau khi Washington tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vào tuần trước. Tính đến nay, chính quyền của ông Trump đã áp và tăng thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, còn Bắc Kinh đáp trả đối với 110 tỷ USD hàng Mỹ.
Theo các nhà phân tích, căng thẳng sẽ còn leo thang thêm nữa sau động thái trả đũa của Trung Quốc. Ông Trump trước đó đã đe dọa áp thuế 25% lên 325 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngày 13/5, ông cho biết chưa quyết định việc này.
Các nhà phân tích nhận định đòn thuế của ông Trump nhằm buộc Trung Quốc đến một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, xung đột diễn ra càng lâu, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ có thể càng chịu nhiều thiệt hại. Nông dân Mỹ - thành phần quan trọng đối với chiến dịch tranh cử của ông Trump - đã thiệt hại không nhỏ khi giá cả nông sản xuống thấp một phần do chiến tranh thương mại.
Chính quyền của ông Trump vẫn hy vọng có thể cứu vẫn được thỏa thuận thương mại. Ngày 13/5, ông Trump cho biết sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nhật Bản vào tháng tới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn.
Canada và Mexico
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland (giữa), Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) trong vòng đàm phán thứ ba của NAFTA, ở Canada năm 2017 - Ảnh: Getty Images.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump quyết định không đưa hai nước láng giềng, Canada và Mexico vào danh sách miễn thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, lần lượt là 25% và 10%. Theo đó, cả hai nước đều có động thái đáp trả.
Canada đáp trả bằng việc áp thuế lên hơn 12 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ vào nước này, bao gồm rượu whiskey và siro cây thích. Còn Mexico áp thuế nhập khẩu lên khoảng 3 tỷ USD hàng Mỹ. Cả hai nước này đều đang cân nhắc đưa ra thêm các biện pháp trả đũa nhằm gây áp lực để Mỹ giảm thuế thép và nhôm nhập khẩu.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ - đặc biệt là Hạ Viện do Đảng Dân chủ nắm đa số - tỏ ra không mấy vội vã trong việc phê chuẩn những điều chỉnh đối với NAFTA - hiệp định mà ông Trump gọi là Hiệp định Mỹ Mexico Canada. Chính quyền của ông Trump và chính phủ Canada, Mexico dự kiến sẽ thúc đẩy việc này trước mùa hè năm nay.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng Viện Mỹ Chuck Grassley, đã lên tiếng thúc giục ông Trump dỡ bỏ thuế với thép và nhôm từ Canada và Mexico trước khi Quốc hộ thông qua hiệp định.
EU
Mỹ và EU đang cùng thảo luận để tránh làm leo thang căng thẳng thương mại. Năm ngoái, sau khi ông Trump áp thuế lên thép và nhôm từ các nước EU, EU đã đáp trả bằng việc áp thuế lên 2,4 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm rượu whiskey và xe môtô.
Ông Trump đang đối diện với thời hạn ngày 18/5 để quyết định có áp thuế lên 53 tỷ USD ôtô nhập khẩu vào Mỹ từ EU. Trong khi đó, theo một số nguồn tin, cao uỷ phụ trách thương mại EU Cecilia Malmstroem cho rằng chính quyền ông Trump có thể sẽ hoãn thời hạn này bởi đang phải tập trung vào thỏa thuận với Trung Quốc.
EU đã chuẩn bị một đòn thuế quan mới nếu ông Trump áp thuế lên ôtô từ khu vực này.
Theo CNBC, chính quyền ông Trump cũng kỳ vọng đạt được một thỏa thuận thương mại với EU, nhưng các quan chức đại diện cho khối này nói rằng họ khuông muốn đàm phán dưới áp lực bị đe dọa áp thuế.
Nhật Bản và Anh
Chính quyền của Tổng thống Trump cũng phải đàm phán các thỏa thuận thương mại khác, đồng thời xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc, các nước láng giềng Bắc Mỹ và EU. Theo các nhà phân tích, Nhà Trắng kỳ vọng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản để đưa thêm nông sản Mỹ vào nước này và không áp thuế nhập khẩu với ôtô Nhật.
Ông Trump cũng đang phải thúc đẩy một thỏa thuận trực tiếp với Nhật sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 nước, không lâu sau khi lên nắm quyền vào năm 2017.
Tổng thống Mỹ cũng có nhiệm vụ thúc đẩy một thỏa thuận thương mại mới với Anh. Đến nay, Anh đã vài lần hoãn kế hoạch rời khỏi EU với dự kiến trước đó là vào cuối tháng 3. Ông Trump có thể sẽ đề cập đến vấn đề này trong chuyến thăm tới Anh vào tháng 6 tới.