14:27 20/07/2023

Người tiêu dùng vẫn thiếu niềm tin với rau an toàn

Chu Khôi

Sản xuất, thương mại, tiêu dùng rau an toàn vẫn “rối như canh hẹ”, vì các khâu trong chuỗi vẫn đang chưa tìm thấy được niềm tin vào nhau. Năng lực trình độ của nhà quản lý rất quan trọng trong việc ban hành các chính sách để bảo vệ người tiêu dùng và người sản xuất rau an toàn…

Sản xuất rau an toàn là vô cùng cần thiết
Sản xuất rau an toàn là vô cùng cần thiết

Chia sẻ tại buổi thảo luận “Phát triển lộ trình tác động các can thiệp dinh dưỡng - NIFAM” do Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS) tổ chức trong 2 ngày 19-20/7/2023, đại diện cho các nhóm, gồm: người sản xuất rau an toàn; thương mại- bán lẻ; người tiêu dùng; các cơ quan quản lý; các tổ chức hỗ trợ đã nêu lên rất nhiều trăn trở về sản xuất, thương mại rau an toàn (RAT).

VẪN KHÓ TẠO NIỀM TIN TRONG NGƯỜI TIÊU DÙNG

Bà Thanh Hà, đại diện Hợp tác xã Thanh Hà ở Hà Nội, cho biết nhiều nông dân, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo đúng quy chuẩn VietGAP, được cấp chứng nhận từ cơ quan chức năng, thế nhưng tiêu thụ vẫn khó, do người tiêu dùng chưa tin tưởng và các chứng nhận. Thậm chí có nhiều thời điểm, phải gỡ bỏ bao bì dán mác rau an toàn, đem rau ra bán ở chợ đầu mối với giá của rau thông thường.

“Người sản xuất chỉ có thể đảm bảo được giá thành sản xuất, nhưng chưa thể làm chủ được thị trường tiêu thụ. Sản phẩm sản xuất ra có tiêu thụ tốt được hay không còn phụ thuộc vào các khâu khác, như: bảo quản, vận chuyển, phân phối và truyền thông. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước”, bà Hà nêu vấn đề.

Từ góc độ của người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Uyên phản ánh, chấp nhận trả giá cao để mua thực phẩm sạch, rau VietGAP hay hữu cơ, nhưng nhiều khi lại nhận được sản phẩm không như kỳ vọng. Rất nhiều người tiêu dùng vẫn còn mất niềm tin vào rau an toàn có chứng nhận.

“Niềm tin của người tiêu dùng để tin tưởng được đây là thực phẩm sạch, hữu cơ cũng rất mơ hồ. Các bà nội chợ thường bảo nhau là hên xui chứ không biết làm sao để mua được những thực phẩm hoàn toàn yên tâm trên thị trường hiện nay”, bà Uyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch CTCP Chứng nhận và Giám định VinaCert đồng thời cũng chủ của một doanh nghiệp sản xuất, phân phối rau an toàn, rau hữu cơ đặt ra câu hỏi thế nào là rau an toàn? Bởi trên thực tế lưu thông trên thị trường có những sản phẩm rau an toàn được cấp chứng nhận VietGAP. Ở chợ hầu hết là rau chưa có chứng nhận, nhưng cũng không thể khẳng định đó là rau không an toàn.

Ông Dũng cho rằng rau được chứng nhận VietGAP cũng không hẳn hoàn toàn là rau an toàn. Bởi mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi xây dựng chứng nhận VietGAP là để người dân làm quen được với các các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam, bao gồm những nguyên tắc, trình tự trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế. 

“Chính tôi cũng không tin rau của tôi được chứng nhận VietGAP là rau đảm bảo an toàn thực phẩm 100%. Bởi mỗi năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống kiểm tra khảo sát một lần thì không đủ kiểm soát được chất lượng rau đối với sản phẩm được chứng nhận Vietgap”, ông Dũng thẳng thắn nói.

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ CÓ THỊ TRƯỜNG RAU AN TOÀN MINH BẠCH?

Tại hội thảo, các đại biểu được chia thành 5 nhóm: Nhóm người sản xuất rau an toàn; Nhóm thương mại; Nhóm người tiêu dùng; Nhóm các cơ quan quản lý; Nhóm các tổ chức hỗ trợ để bàn về các giải pháp, đề xuất kiến nghị để tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất – tiêu thụ rau an toàn.

Nhóm nông dân, hợp tác xã sản xuất rau an toàn đề nghị các cơ quan quản lý và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cải tiến khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, chế biến, công nghệ sau thu hoạch; cần hỗ trợ truyền thông để quảng bá, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về rau an toàn. Cần nhà nước có chính sách hỗ trợ về giá bán sản phẩm (trợ giá cho sản phẩm). Đồng thời, nhà nước có cơ chế quản lý thiết thực, ngăn chặn các trường hợp gian lận thương mại, giả danh rau an toàn trên thị trường.

Nhóm người tiêu dùng cho rằng người sản xuất cần thay đổi cách thức truy xuất nguồn gốc. Đề nghị các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp cho người tiêu dùng những kiến thức về dinh dưỡng để lựa chọn sản phẩm phù hợp. 

Khẳng định sẵn sàng chi trả xứng đáng cho sản phẩm theo chất lượng, Nhóm người tiêu dùng cũng mong muốn được tiếp cận với thực phẩm an toàn với giá cả hợp lý, phương thức thanh toán đa dạng, dễ tiếp cận, bán ở nhiều nơi. Một vấn đề băn khoăn đối với người tiêu dùng, đó là các cơ quan quản lý nhà nước phải cho biết, khi sử dụng phải thực phẩm không an toàn, thì nên  gặp ai, khiếu nại ở đâu?

Nhóm thị trường bao gồm đại diện các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn nêu mong muốn các cơ quan chức năng của nhà nước thiết lập, hình thành hệ thống quản lý chặt chẽ, giám sát chất lượng sản phẩm (thanh lọc các đơn vị cung cấp kém chất lượng). Công khai thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm sản xuất. Cần hỗ trợ kiến thức về các văn bản pháp luật liên quan đến hỗ trợ buôn bán rau an toàn.

Đề nghị quy hoạch vùng rau an toàn để các nhà phân phối biết rõ những nơi sản xuất rau an toàn để đến ký hợp đồng thu mua sản phẩm, đồng thời tăng cường kiểm soát đối với các tổ chức chứng nhận về rau an toàn để đảm bảo đạt chuẩn đúng quy định.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến sản xuất nông nghiệp an toàn nêu ý kiến tại hội thảo.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến sản xuất nông nghiệp an toàn nêu ý kiến tại hội thảo.

Đề cập về nhiệm vụ, Nhóm quản lý nhà nước cho hay mong muốn nhận được những phản ánh trung thực của các doanh nghiệp, tổ chức, người tiêu dùng. Quản lý nhà nước đã và sẽ xây dựng thêm những chính sách liên quan đến vấn đề đất đai và quy hoạch cho sản xuất rau an toàn; chính sách hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm; Chính sách về an ninh trật tự (hàng rong…); Nâng cao năng lực trình độ nhà quản lý; Chính sách bảo vệ lợi ích người tiêu dùng

Nhóm đại diện các đơn vị hỗ trợ (Tổ chức phi chính phủ, truyền thông, nghiên cứu khoa học) nêu các giải pháp: Cần sự phối kết hợp của các tổ chức có tiếng nói, khả năng tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ (chính phủ, phi Chính phủ), để tuyên truyền thuyết phục thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức của bản thân, gia đình, cộng đồng về rau an toàn.

TS. Cory Whitney: "Mô hình NIFAM giúp dự báo và giám sát can thiệp dinh dưỡng giúp xã hội phát triển hơn".
TS. Cory Whitney: "Mô hình NIFAM giúp dự báo và giám sát can thiệp dinh dưỡng giúp xã hội phát triển hơn".

Là chủ nhiệm Dự án “Phát triển lộ trình tác động các can thiệp dinh dưỡng – NIFAM” nhằm sản xuất rau hữu cơ dinh dưỡng, TS. Cory Whitney, Đại học Bonn (Đức) cho biết những ý kiến tại hội thảo hôm nay sẽ được Dự án NIFAM áp dụng, xây dựng với các giải pháp thí điểm trong 2 năm. Mô hình NIFAM giúp dự báo và giám sát can thiệp dinh dưỡng giúp xã hội phát triển hơn. Để đưa ra những quyết định này cần sự vào cuộc của các nhà tạo lập chính sách, các chuyên gia.

“Mô hình này được dự báo cho áp dụng thực tế đến năm 2025, gồm đánh giá về tính rủi ro, tính khả thi, chi phí, nguồn lực khi áp dụng và cả yếu tố niềm tin. Dự án sẽ dựa trên sự hiểu biết của chuyên gia, kinh nghiệm của nông dân địa phương để xây dựng những mô hình can thiệp dinh dưỡng hiệu quả và dự báo trước được cho 5-10 năm sau”, TS. Cory Whitney nhấn mạnh.