16:10 13/03/2022

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, động lực tăng trưởng kinh tế kỳ vọng vào đầu tư công và gói hỗ trợ

Mộc Minh

Dự báo chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp và cả gián tiếp trong biến động mới căng thẳng Nga – Ukraina…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hầu hết các ý kiến chuyên gia tại chương trình cà phê doanh nhân với chủ đề “Dự báo kinh tế Việt Nam - động lực phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022” đều có chung một nhận định rằng động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới đang được kỳ vọng vào sự lan tỏa của đầu tư công, cũng như các gói kích thích kinh tế. Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức vào sáng 12/3/2022.

NGUY CƠ ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG VẪN HIỆN HỮU

Sau cú sốc từ dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và thích ứng trong trạng thái bình thường mới.

Thực tế từ hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, thông tin dịch Covid -19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, việc nhập khẩu nguyên liệu đối mặt với vấn đề ách tắc logistics dẫn đến chi phí vận chuyển tăng và thời gian chờ đợi kéo dài. Các doanh nghiệp đã phải tìm các nguồn nguyên liệu thay thế, thiết lập các chuỗi cung ứng nội địa để cắt giảm chi phí và thời gian vận chuyển, đảm bảo nguyên liệu sản xuất liên tục.

Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn nữa, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng (hơn 15 tỷ USD) trong 02 năm 2022 và 2023. Chính phủ đã cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% từ ngày 01/02/2022 (Nghị định 15/2022/NĐ-CP). Đây có thể nói là những xung lực mới cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch HUBA, các biến động mới về giá xăng dầu và nhiều loại nguyên liệu tăng cao kéo theo chi phí sản xuất, logistics tiếp tục tăng lên. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng thiếu lao động cũng như khó khăn về vốn… đã làm giảm bớt phần nào kỳ vọng của doanh nghiệp về sự phục hồi.

Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 61 - Ảnh: ITN.
Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 61 - Ảnh: ITN.

Cảnh báo từ đại diện của Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, cho rằng những rủi ro mới phát sinh trong năm nay từ căng thẳng Nga – Ukrainer và chuỗi biện pháp bao vây cấm vận Nga sẽ khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp và cả gián tiếp.

“Trước mắt, giá xăng dầu và nhiều loại nguyên vật liệu đang tăng mạnh, giá lương thực thực phẩm cũng tăng theo; xa hơn là kinh tế các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và châu Âu có nguy cơ suy thoái”, ông Tú Anh dự báo.

KỲ VỌNG VÀO ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG NÀO?

Mặc dù vậy, đối với Việt Nam vẫn còn những yếu tố khả quan, như: thâm hụt ngân sách không đáng kể, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng không nhiều, đồng tiền Việt Nam lên giá, dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Lãi suất đang ở mức thấp, dư địa nợ công vẫn còn rất lớn, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động vẫn tăng qua các năm. Tính đến hết năm 2021, cả nước có 854.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Con số trên khẳng định khả năng chống chịu và thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam. 

Với các yếu tố hỗ trợ trên, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng cần phải phát huy hiệu quả các gói hỗ trợ mà Quốc hội, Chính phủ ban hành giúp tốc độ phục hồi của doanh nghiệp nhanh hơn. Những doanh nghiệp vẫn còn nguồn lực sẽ sớm tăng tốc và những doanh nghiệp suy kiệt cũng sẽ được “cứu” kịp thời.

Ngoài ra, ông Lịch cũng cho rằng cần phải kiểm soát tăng giá đất, ngăn chặn đầu cơ tạo ra bong bóng bất động sản. Vì việc tăng giá đất mất kiểm soát không chỉ cản trở giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công mà còn khiến việc huy động vốn cho sản xuất trở nên khó khăn.

Đối với TP.HCM, đầu tư công cần tập trung vào các dự án vành đai 2, vành đai 3; giải tỏa được nhà tạm trên kênh rạch và phát triển quỹ nhà ở xã hội cho người dân. Cần tháo gỡ ngay các dự án bị vướng mắc thủ tục hành chính để tăng hấp thụ vốn.

“TP.HCM cần đánh giá lại việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù để có kiến nghị gia tăng tính tự chủ, đặc biệt là tự chủ về huy động nguồn lực cho phát triển”, ông Lịch nói.