VEAM và hành trình 35 năm định hình ngành cơ khí Việt Nam
Sau 35 thành lập, từ 12 nhà máy cơ khí rời rạc, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM đã phát triển thành một hệ thống gồm 25 công ty thành viên và chi nhánh, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh máy móc, phụ tùng phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp và giao thông vận tải...

Ngày 9/5/2025, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập (12/05/1990 - 12/05/2025), đánh dấu hành trình trưởng thành và phát triển vượt bậc của một trong những doanh nghiệp trụ cột trong ngành cơ khí Việt Nam.
Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp khó khăn và ngành cơ khí nông nghiệp phải đối mặt với hàng nhập khẩu giá rẻ, VEAM đã không ngừng cải tổ, nâng cao năng lực sản xuất và xây dựng nền tảng vững chắc.
VEAM đã tạo nên một phong trào cơ giới hóa nông nghiệp sâu rộng từ trong nhân dân, một bước đột phá có ý nghĩa lịch sử vào đầu những năm 1990. Với chiến lược phát triển đúng đắn và sáng tạo, VEAM đã nhanh chóng tạo dựng tên tuổi trên thị trường trong nước và quốc tế. Các sản phẩm máy nông nghiệp của VEAM không chỉ đủ sức cạnh tranh trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Không dừng lại ở đó, VEAM sớm nhận ra tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ - lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Với tầm nhìn dài hạn, VEAM dần dịch chuyển từ vai trò đơn thuần là nhà sản xuất sang một đối tác chiến lược trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp.
Ngay từ giai đoạn 1994 -1996, khi làn sóng đầu tư FDI bắt đầu đổ vào Việt Nam, VEAM đã tiên phong liên kết và hợp tác với các tập đoàn quốc tế lớn như Ford, Toyota, Honda để phát triển sản phẩm phụ tùng ô tô, xe máy. Các liên doanh này không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn mà còn giúp VEAM khẳng định vị thế là nhà sản xuất phụ tùng cơ khí uy tín tại Việt Nam.
Từ năm 2017, VEAM chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần với vốn điều lệ lên tới 13.288 tỷ đồng, trong đó Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối. Tháng 7/2018, VEAM chính thức lên sàn Upcom, mã chứng khoán VEA. Hoạt động của VEAM sau khi cổ phần hóa ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty VEAM tăng trưởng qua từng giai đoạn, có nguồn lực tài chính để tái đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu cho ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống cho người lao động.
Đến nay sau 8 năm cổ phần hóa, tổng doanh thu tăng 93%, tổng tài sản tăng 17%, vốn chủ sở hữu tăng 45%, thị trường mở rộng. Thu nhập lao động không ngừng tăng, bộ máy được sắp xếp gọn nhẹ năng động. Sau nhiều năm đồng hành cùng công ty mẹ, nhiều công ty con đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Sau 35 thành lập, từ 12 nhà máy cơ khí rời rạc, Tổng công ty VEAM đã phát triển thành một hệ thống gồm 25 công ty thành viên và chi nhánh, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh máy móc, phụ tùng phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp và giao thông vận tải.

Theo ông Lê Khải Hoàn, Chủ tịch HĐQT VEAM, với định hướng tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao, cơ khí điện gió và các dự án lớn khác, VEAM sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển các sản phẩm trọng điểm liên quan đến cơ khí nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng xanh, cơ khí điện gió, cơ khí chế tạo, động cơ điện, linh kiện ô tô và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...
Những hoạt động này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để VEAM tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc VEAM, cho biết VEAM sẽ tiếp tục tái cơ cấu toàn diện hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đổi mới công nghệ; Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm. Góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong các ngành công nghiệp trọng yếu như cơ khí, năng lượng và đường sắt.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng chủ động liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt là trong ngành và các lĩnh vực khác. Phát triển các sản phẩm chuyên ngành phục vụ quốc phòng - an ninh, khai thác hiệu quả chính sách từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường toàn cầu.