14:18 02/05/2015

“Nguyên nhân cơ bản” của hàng loạt nút thắt thể chế

Nguyên Thảo

Nghiên cứu của CIEM trả lời câu hỏi, tại sao thể chế kinh tế hiện tại chưa thực sự trở thành động lực phát triển?

Đường phố Tp.HCM dịp đại lễ 40 năm thống nhất đất nước - Ảnh: Zing.<br>
Đường phố Tp.HCM dịp đại lễ 40 năm thống nhất đất nước - Ảnh: Zing.<br>
Hôm 30/4, trong diễn văn tại lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, diễn ra tại Tp.HCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thêm một lần đề cập đến các hạn chế của nền kinh tế.

Đó là, chất lượng tăng trưởng, môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cải cách thể chế nói chung và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nói riêng cũng là vấn đề được đặt ra và bàn thảo sôi nổi nhiều năm nay, nhất là từ khi thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng đã dấy lên những kỳ vọng to lớn như “chuyển sang nhà nước kiến tạo phát triển” hay cạnh tranh bình đẳng”…

Vậy tại sao, “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội”?

Khác biệt trước hết về tư duy và quan niệm

Nghiên cứu “Đổi mới tư duy và tháo bỏ nút thắt thể chế để chuyển mạnh nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế thị trường đầy đủ” mới được Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS. Nguyễn Đình Cung công bố đã đưa ra câu trả lời, dù có thể chưa thực sự đầy đủ.

Ông Cung cho biết, nghiên cứu này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong gần một năm.

Tại đây, sau rất nhiều phân tích, tác giả của nghiên cứu khẳng định, nền kinh tế thị trường mà Việt Nam hướng đến phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại tương tự như kinh tế thị trường tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Nhưng theo Viện trưởng CIEM, hiện vẫn còn khoảng chênh lệch rất lớn về trình độ phát triển thị trường của kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế của các quốc gia OECD, và có sự khác biệt trước hết về tư duy và quan niệm.

“Ở Việt Nam, quan điểm chính thống vẫn chưa tin vào thị trường và kinh tế thị trường. Trong khi đó, ở các nền kinh tế như OECD, người ta tin vào thị trường như thể chế hữu hiệu nhất trong huy động và phân bổ nguồn lực; thị trường là “trung tâm” của thể chế kinh tế; nhà nước và xã hội dân sự là các trụ cột vừa bổ sung, vừa khắc phục các khiếm khuyết của thị trường để làm cho thị trường vận hành tốt hơn, hoàn hảo hơn”, ông Cung viết.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, ở các nền kinh tế thị trường khác, nhà nước và thị trường được coi như hai bàn tay của con người, vô hình và hữu hình, cùng hoạt động và bổ sung cho nhau, tạo thành sức mạnh.

Còn ở Việt Nam thì “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… là nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản”.

Như vậy, nhà nước không phải là bàn tay hữu hình của nền kinh tế, không song hành và bổ sung cho thị trường, mà đứng trên thị trường, điều khiển thị trường; nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, một cơ chế do bộ máy nhà nước thiết lập nên, chứ không phải là thị trường như một thể chế khách quan, ông Cung khái quát sự khác biệt.

Và, sự khác biệt cơ bản này được tác giả nhìn nhận “là nguyên nhân tạo nên hàng loạt khác biệt khác và cũng là nguyên nhân cơ bản tạo nên hàng loạt nút thắt thể chế ngăn cản hoặc làm chậm tiến trình cải cách kinh tế đang dang dở ở Việt Nam”.

Chỉ rõ bản chất các nút thắt nói trên nằm ở phía nhà nước, tác giả nghiên cứu cho rằng, dù đã qua 30 năm cải cách, song tư duy về kinh tế thị trường, về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường vẫn chưa được thay đổi một cách cơ bản.

Về cách thức quản lý, thì công cụ và mệnh lệnh hành chính vẫn được sử dụng phổ biến, chế độ “làm việc tập thể” kéo dài từ hệ thống cũ, khiến cho bộ máy, các quy trình ra quyết định và việc điều hành, thực thi các quyết định của nhà nước rất khó cải thiện được tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, nghiên cứu nêu rõ.

Nhận xét tiếp theo của Viện trưởng CIEM là nhà nước pháp quyền chưa hình thành đầy đủ; chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, tính độc lập cũng như cơ chế phân công, phối hợp và giám sát lẫn nhau giữa ba bộ phận của hệ thống quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp) chưa thật minh bạch, hợp lý, gây trở ngại cho cả ba trong phát huy vai trò đích thực của mình. Năng lực bộ máy đã tỏ ra không còn phù hợp với trình độ phát triển cao hơn của thị trường. Vì vậy, hoạt động kém hiệu lực và hiệu quả.

Đổi mới lần hai “khó hơn bội phần”


Nhận định làn sóng đổi mới lần hai đã trở nên rất cần thiết, nghiên cứu của CIEM cũng so sánh một số điểm giống và khác nhau giữa làn sóng đổi mới lần một và đổi mới lần hai.

Như, điểm tương đồng cơ bản là nội hàm của đổi mới vẫn chuyển mạnh mẽ và chuyển dứt khoát sang kinh tế thị trường.

Tuy vậy, khi đổi mới lần một, nhà nước thu hẹp phạm vi, vai trò và chức năng của mình tạo dư địa cho thị trường và khu vực tư nhân tồn tại và hoạt động; còn đổi mới lần hai là phải nâng cấp trình độ phát triển thị trường của nền kinh tế; làm cho thị trường các loại, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo cạnh tranh thị trường công bằng và có trật tự; khắc phục các hạn chế hay thất bại của thị trường.

Được cho là khó hơn bội phần, với đổi mới lần hai, theo tác giả phải là vừa tiếp tục thu hẹp phạm vi, vừa đổi mới vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước nói chung và từng nhánh của bộ máy nhà nước nói riêng.

Trong khuôn khổ nghiên cứu, nhiều kiến nghị sơ bộ về cải cách thể chế cũng được tác giả thể hiện rõ, trong đó có đổi mới nhận thức và làm rõ nội hàm của một số khái niệm cơ bản của quá trình cải cách tiếp theo mà đầu tiên là đổi mới khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, như VnEconomy đã đề cập.