09:42 21/04/2015

Đổi mới khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”?

Nguyên Thảo

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng làn sóng đổi mới lần hai đã trở nên rất cần thiết

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Đình Cung.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Đình Cung.
Xây dựng thể chế kinh tế thị trường là vấn đề từng được tranh luận đôi khi đến mức nảy lửa, cả trong hội trường và bên lề nhiều diễn đàn của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Đình Cung là một trong số các chuyên gia quyết liệt bảo vệ quan điểm “không chuyển sang kinh tế thị trường thì không giải quyết được gì cả”.

Nút thắt nằm ở Nhà nước


Lần này, ở báo cáo nghiên cứu dài tới trên 50 trang gửi đến Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, diễn ra trong hai ngày 21 và 22/4, ông Cung đặt vấn đề đổi mới khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đổi mới tư duy và tháo bỏ nút thắt thể chế để chuyển mạnh nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại là tên của nghiên cứu này.

Tại đây, Viện trưởng CIEM đã phân tích cặn kẽ về các loại kinh tế thị trường, cũng như một số điểm nghẽn hay nút thắt thể chế chế ngăn cản chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Ông Cung khái quát, hiện đang tồn tại hàng loạt các nút thắt thể chế ngăn cản hoặc làm chậm lại tiến trình cải cách kinh tế đang dang dở ở Việt Nam. Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình ngay khi mức thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp.

Nguyên nhân của các nút thắt nói trên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, lại nằm ở phía Nhà nước.

“Có thế nói, cải cách 30 năm qua ở Việt Nam mới chủ yếu tập trung vào giảm và thu hẹp vai trò và chức năng của Nhà nước, mà chưa có đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước; chưa thay đổi cơ bản tư duy về kinh tế thị trường, về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường”, Viện trưởng CIEM đúc kết.

Kiến nghị đầu tiên của chuyên gia này về cải cách thể chế, là đổi mới nhận thức và làm rõ nội hàm của một số khái niệm cơ bản của quá trình cải cách tiếp theo.

Mà xếp hàng đầu, theo ông, chính là khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đây là một khái niệm được sử dụng thường xuyên và liên tục, nhưng nội hàm của khái niệm chưa rõ, chưa thống nhất; và những gì được giải thích liên quan đến khái niệm này không còn phù hợp..., ông Cung nhận xét.

Vị chuyên gia này cho rằng, thực tế nói trên đang trở thành rào cản lớn, chưa thể vượt qua đối với đổi mới nói riêng, và phát triển quốc gia nói chung.

Vì vậy, việc thảo luận và thống nhất về nội hàm của khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tạo không gian cho đổi mới chuyển đổi mạnh mẽ và nhất quán hơn sang kinh tế thị trường và hội nhập là hết sức cần thiết, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Theo tinh thần đó, ông Cung đề xuất đổi mới khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” như sau:

“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, trong đó, Nhà nước và thị trường là hai yếu tố không thể thiếu, phối hợp, cộng sinh và bổ sung cho nhau hướng đến thị trường hoàn hảo”.

“Thị trường hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả không thể thiếu được một Nhà nước mạnh, có hiệu lực và hiệu quả. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trước hết là xây dựng và hoàn thiện thể chế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ”.

Trên cơ sở kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, định hướng xã hội chủ nghĩa được bảo đảm bằng điều tiết của nhà nước xã hội chủ nghĩa theo hướng tăng trưởng bao dung, công bằng; phân phối lại thu nhập và tổ chức cung ứng dịch vụ công theo hướng Nhà nước phúc lợi ngày càng nhiều hơn tùy phụ thuộc vào giai đoạn và trình độ phát triển; và phát triển hệ thống an sinh xã hội hướng mạnh tới các nhóm yếu thế trong xã hội”.

“Đổi mới lần hai đã trở thành mệnh lệnh”


Nói rõ là đề xuất này có khác so với nội hàm đang sử dụng hiện nay và khác với một số đề xuất khác trên một số điểm, ông Cung viết tiếp:

“Ví dụ, Đại hội 11 của Đảng: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Đây là hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt bới các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”.

“Chính cách hiểu cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường được tạo dựng và quản lý bởi Nhà nước đã tạo ra cách hiểu sai lệch về vai trò của Nhà nước; đồng thời, tạo cơ sở lý luận và dư địa cho can thiệp quá mức, không phù hợp của Nhà nước; làm cho thị trường sai lệch và méo mó, không thực hiện được đúng và đầy đủ chức năng của mình trong nền kinh tế”.

Theo ông Cung, nền kinh tế thị trường mà Việt Nam hướng đến phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại tương tự như kinh tế thị trường tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

“Hiện vẫn còn khoảng chênh lệch rất lớn về trình độ phát triển của thị trường của nền kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế của các quốc gia nói trên và có sự khác biệt trước hết về tư duy và quan niệm. Ở Việt Nam, quan điểm chính thống vẫn chưa tin vào thị trường và kinh tế thị trường”, tác giả báo cáo nghiên cứu viết tiếp.

Cho rằng làn sóng đổi mới lần hai đã trở nên rất cần thiết, Viện trưởng CIEM cũng nhấn mạnh, đổi mới lần hai khó khăn hơn bội phần so với đổi mới lần thứ nhất, cách đây 30 năm.

Song, “tuy khó khăn và đầy thách thức, nhưng đổi mới lần hai đã trở thành mệnh lệnh, không thể không làm”, tác giả khép lại báo cáo nghiên cứu.