11:38 08/04/2009

Nhà bán lẻ nước ngoài đang được “tiếp sức”?

Ái Vân

Sự buông lỏng quản lý dường như đang “tiếp sức” cho các nhà bán lẻ nước ngoài cạnh tranh trên thị trường nội địa

Big C đang chuẩn bị đưa siêu thị thứ 9 đi vào hoạt động - Ảnh: Việt Tuấn.
Big C đang chuẩn bị đưa siêu thị thứ 9 đi vào hoạt động - Ảnh: Việt Tuấn.
Với lợi thế về nguồn tài chính và kinh nghiệm “chinh chiến”, những nhà bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài đang hiện diện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh nội lực thì chính  kẽ hở trong việc thực thi những quy định về cấp phép và chủng loại hàng hóa của các cơ quan quản lý Việt Nam cũng đang "tiếp sức" cho các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Ào ạt đổ bộ

Đến nay, người tiêu dùng Việt Nam đã không còn xa lạ với những tên tuổi bán lẻ ngoại như Pakson (Tập đoàn Lion, Malaysia), Big C của Tập đoàn Casino (Pháp) đầu tư, hệ thống Metro của Tập đoàn Metro Cash&Carry (Đức); Dairy Farm (Hồng Kông) đang kinh doanh một siêu thị tại tòa nhà Citi Mart trên đường Nguyễn Trãi, Tp.HCM; Zen Plaza (Nhật Bản); Diamond Plaza (Hàn Quốc).

 Cuối năm 2008, nhà phân phối và bán lẻ điện tử Best Denki của Nhật Bản thông qua hợp đồng nhượng quyền với Carings, thương hiệu bán lẻ điện máy của Công ty Tiếp thị Bến Thành, cũng đã đi vào hoạt động với siêu thị điện máy tại tòa nhà Lotte ở quận 7.

Mới đây nhất, Lotte Mart - công ty con của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) - cũng đã chính thức công bố gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam qua việc “bắt tay” với một công ty trong nước thành lập công ty liên doanh điều hành siêu thị Lotte tại Việt Nam.

Có thể nói rằng khi “đặt” chân vào Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đều nuôi tham vọng “bành trướng” quy mô hoạt động, vì vậy ngoài các thành phố có sức mua lớn như Tp.HCM, Hà Nội, các nhà bán lẻ này còn đang mở rộng phạm vi hoạt động đến các tỉnh thành tại miền Trung, miền Tây...

Đến đầu năm 2009, Tập đoàn Metro (Đức) đã có 8 trung tâm phân phối hàng hóa hoạt động tại các thành phố lớn trên cả nước. Trong tháng 4 này, UBND tỉnh An Giang sẽ bàn giao mặt bằng khu bến xe Long Xuyên cho Metro để xây dựng siêu thị phân phối hàng hóa tại tỉnh này, nâng mạng lưới Metro tại Việt Nam thành 9 điểm trong thời gian tới.

Tương tự, Big C cũng đang chuẩn bị đón siêu thị thứ 9 đi vào hoạt động. Thông tin từ BigC, đơn vị này  đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Big C Huế. Lotte Mart cũng dự tính mở tiếp siêu thị thứ 2 tại Tp.HCM trong thời gian sớm nhất. Địa điểm nhà bán lẻ này đang ngắm đến là trong trung tâm thương mại nằm ngay ngã tư đường 3/2 - Lê Đại Hành, quận 11.

Quy định có cũng như không

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư kí Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), tại một cuộc họp mới đây đã cho rằng việc thực hiện bảo lưu về kiểm tra nhu cầu kinh tế của Việt Nam (ENT) trong lĩnh vực bán lẻ đang rất buông lỏng. Trong khi đó, gần 100 thành viên WTO đang bảo lưu về ENT.

ENT quy định, việc cấp phép thêm điểm bán lẻ cho các nhà bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ 3 tiêu chí về: quy mô địa lý, số lượng nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trên địa bàn, và sự ổn định của thị trường đối với các cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi.

Tiếp đó, vào tháng 9/2007, Bộ Công thương cũng đã ban hành thêm hai tiêu chí để xem xét cấp phép các cơ sở hoạt động bán buôn của nhà bán lẻ nước ngoài là: mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh, thành phố và sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch của địa phương.

Song, có thể nói rằng hiện tại các quy định trên đều không được tuân thủ.

Cũng theo như kiến nghị của AVR, Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể và áp dụng ENT thống nhất tại tất cả các địa phương trên cả nước. Theo đó, điểm bán lẻ thứ hai được cấp tại Tp.HCM, Hà Nội nếu đang có ít hơn 30 cơ sở bán lẻ thương mại hiện đại, khoảng cách là 25km tính từ trung tâm thành phố; ở đô thị loại I, II, nếu có ít hơn 10 cơ sở và khoảng cách là 10 km; còn tại các đô thị còn lại, thị xã, thị trấn ít hơn 5 cơ sở thương mại hiện đại đang hoạt động, khoảng cách xây dựng cơ sở thứ hai là 3 km.

Ngoài việc không tuân thủ các quy định trong việc cấp phép cơ sở bán buôn cho nhà bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài, các nhà bán lẻ ngoại hiện nay còn “phớt lờ” cả các quy định về chủng loại hàng hóa được phép kinh doanh, mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng không hề lên tiếng.

Cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO về mở cửa thị trường bán lẻ đã có quy định những mặt hàng mà các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối, vì nó đã nằm trong danh sách loại trừ vĩnh viễn gồm: thuốc lá, xì gà, sách, báo, tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý, đá quý, dược phẩm, thuốc nổ, dầu thô, xăng dầu, gạo và đường.

Danh mục loại trừ có thời hạn như xi măng, clinke, lốp (trừ lốp máy bay), sắt thép, thiết bị nghe nhìn, rượu và phân bón thì đến 11/1/2010 mới được phép bán.

Dù vậy, thực tế tại tất cả các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, các mặt hàng như gạo, đường, rượu... vẫn được bán tràn lan. Theo quan điểm của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, danh mục hàng hóa loại trừ có ý nghĩa rất lớn về yếu tố kinh tế, an sinh, an ninh và văn hóa. Nói vậy, không phải để ganh tị mà là để công bằng. Nếu đã quy định thì phải tuân thủ, chứ không thể dựng lên bảng “cấm” mà vẫn cho lưu thông.