19:50 10/11/2020

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 11,76 nghìn tỷ trên sàn chứng khoán Việt 10 tháng

Bạch Huệ

Loại trừ giao dịch thoả thuận VHM, MSN, giá trị bán ròng của khối ngoại lên tới 35.100 tỷ đồng trong 10 tháng

Đà bán ròng của khối ngoại vẫn chưa ngớt
Đà bán ròng của khối ngoại vẫn chưa ngớt

Đà bán ròng ngày càng tăng mạnh vào cuối năm, riêng tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 7.450 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch hôm nay 10/11, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên 740 tỷ đồng.

Trong báo cáo dòng tiền đầu tư tại thị trường Việt Nam của Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố, nhà đầu tư ngoại trên sàn chứng khoán đang bán ròng cổ phiếu khá nhiều.

Cụ thể, vốn rút ròng ở cả quỹ ETF và quỹ chủ động. Các quỹ đầu tư cổ phiếu vào thị trường Việt Nam rút ròng 23,7 triệu USD trong tháng 10 – ghi nhận tháng rút ròng đầu tiên sau chuỗi 5 tháng liên tiếp có dòng tiền vào. Trong đó, dòng vốn vào các quỹ chủ động vẫn bị rút 8,3 triệu USD trong tháng 10, tổng cộng đã rút 6,3 triệu USD kể từ tháng 3 đến nay.

Dòng vốn vào ETF bất ngờ đảo chiều trong tháng 10 khi bị rút ròng 5,4 triệu USD (tương đương khoảng 124 tỷ đồng) sau diễn biến tích cực trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9/2020. Xu hướng đảo chiều chủ yếu do 3 quỹ ETF bị rút ròng là VFM VN30 (-163 tỷ đồng), VanEck (-71 tỷ đồng) và KIM Kindex VN30 (-27 tỷ đồng). Tuy nhiên, các quỹ này đã ghi nhận dòng vốn vào lại trong tuần đầu tháng 11.

Đặc biệt, khối ngoại vẫn bán ròng trên sàn chứng khoán, 7,45 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Lũy kế 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,76 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận lớn mua ròng VHM và MSN, giá trị bán ròng lên tới 35,1 nghìn tỷ đồng trong 10 tháng.

Đây là xu hướng chung của thị trường toàn cầu. Thống kê cho thấy, trong tháng 10, dòng tiền đầu tư toàn cầu tiếp tục rút khỏi thị trường tiền tệ (-37,7 tỷ USD) và vẫn đổ mạnh vào quỹ trái phiếu (+64,6 tỷ USD). Chính sách tiền tệ nới lỏng đã khiến các quỹ trái phiếu ở tất cả các thị trường đều ghi nhận dòng vốn vào (nhiều nhất là các quỹ trái phiếu Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), 

Nhà đầu tư hiện nay tỏ ra thận trọng hơn khi chuyển sang đầu tư các trái phiếu có độ rủi ro thấp hơn, thay vì đầu tư vào các trái phiếu có đổ rủi ro cao (lợi tức cao) như trước đây.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia là các thị trường Châu Á có vốn vào cổ phiếu trong tháng 10. Thị trường Trung Quốc vẫn hút vốn mạnh nhất, tổng cộng 4,58 tỷ USD trong tháng 10 với dòng vốn vào cả các quỹ ETF và các quỹ chủ động. Với 3 thị trường còn lại, dòng vốn vào tập trung phần lớn ở các quỹ ETF. Ngoại trừ Malaysia, các nước Đông Nam Á khác (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam) đều bị rút ròng ở cả quỹ ETF và quỹ chủ động.

"Diễn biến dòng tiền toàn cầu hiện vẫn khá tích cực với cổ phiếu, các động thái rút vốn của các quỹ ETF tại Việt Nam trong tháng 10 nằm trong xu hướng chung của khu vực có thể là hoạt động tái cơ cấu, bảo toàn tài sản để chuẩn bị cho chu kỳ giải ngân mới. Hiện tại, dù ai trong 2 ứng cử viên lên làm Tổng thống Mỹ, các thị trường mới nổi khu vực Châu Á vẫn sẽ là điểm trũng hút vốn đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý sau bầu cử nếu có sẽ khiến rủi ro bất ổn chính trị gia tăng và tác động đến dòng vốn vào cổ phiếu toàn cầu theo chiều hướng tiêu cực", báo cáo của SSI nêu. 

Mới đây, ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital có lý giải hiện tượng bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong xu hướng chung của các nước ASEAN trong bối cảnh Covid-19 bùng phát lần thứ 3 tại Mỹ/Châu Âu. Việc thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tốt vượt trội so với các thị trường khác đã đẩy định giá của một số blue-chip lên mức cao. Điều này làm các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán để chốt lợi nhuận hơn là rút vốn khỏi Việt Nam.

Theo ước tính của MSCI, Kuwait sẽ được nâng lên thị trường mới nổi (EM) bắt đầu từ cuối tháng 11, và tỷ trọng Việt Nam trong chỉ số MSCI FM 100 Index sẽ tăng từ mức hiện tại 12% lên 28%. Đây là thông tin tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn, khi các quỹ nước ngoài (bao gồm cả quỹ thụ động và chủ động, ước tính khoảng 400-500 triệu USD) sẽ giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam.