Cắt lỗ dứt khoát, thanh khoản tăng vọt, VN-Index bốc hơi tiếp hơn 1%
VN-Index tăng tốc bổ nhào giảm trong phiên chiều nay khi lượng cổ phiếu bắt đáy giá thấp nhất trong nhịp giảm này đã về tài khoản. Chỉ số rơi liên tục và chạm đáy lúc 2h25, mất tới gần 21 điểm trước khi hồi lại cuối phiên. Thanh khoản phiên chiều nay tăng vọt 69% so với buổi sáng, xác nhận có dòng tiền vào đỡ lượng cắt lỗ...
VN-Index tăng tốc bổ nhào giảm trong phiên chiều nay khi lượng cổ phiếu bắt đáy giá thấp nhất trong nhịp giảm này đã về tài khoản. Chỉ số rơi liên tục và chạm đáy lúc 2h25, mất tới gần 21 điểm trước khi hồi lại cuối phiên. Thanh khoản phiên chiều nay tăng vọt 69% so với buổi sáng, xác nhận có dòng tiền vào đỡ lượng cắt lỗ.
VN-Index đóng cửa thu hẹp mức giảm còn 12,82 điểm, tương đương -1,08%. VN30-Index khá hơn, chỉ giảm 0,52%, hồi khá tốt so với mức đáy giảm 1,25%. Trong khi đó Midcap giảm 1,24%, Smallcap giảm 1,16%.
Thanh khoản rổ VN30 hôm nay cũng tăng 34% so với phiên trước, đạt gần 7.747 tỷ đồng. Nếu tính riêng phiên chiều, thanh khoản tại nhóm blue-chips này cũng tăng hơn 47% so với buổi sáng. Dòng tiền đang có tín hiệu tập trung bắt đáy blue-chips khá rõ.
Đây là tín hiệu tốt vì nhiều blue-chips đã giảm giá tương đối mạnh ở nhịp này. Các tổ chức, nhà đầu tư lớn thường giao dịch nhiều ở nhóm này và đây mới là dòng tiền có khả năng tạo đáy. Nếu các cổ phiếu lớn được nâng đỡ, VN-Index cũng dễ ổn định hơn.
Dù độ rộng rổ VN30 lúc đóng cửa vẫn rất tệ với 6 mã tăng/24 mã giảm, nhưng ngoài VHM và VIC đóng cửa giá thấp nhất phiên, tất cả số còn lại đều được “trục vớt” với tỷ lệ nhất định. Thống kê có 15 mã đã thoát đáy, đóng cửa cao hơn giá thấp nhất từ 1% tới 2%. Đây cũng là lý do giúp độ nảy của VN30-Index so với đáy tốt hơn VN-Index. Mặt khác, các trụ của VN30 như TCB, FPT, MWG có ảnh hưởng tốt hơn nhiều so với chỉ số VN-Index.
Áp lực bán tăng vọt trong phiên chiều là điều có thể dự đoán được, vì hôm nay là T+2,5 của lượng hàng bắt đáy hôm 19/4 về tài khoản, cũng là phiên có giá thấp nhất trong nhịp giảm này. Dĩ nhiên không phải cổ phiếu nào cũng có lãi T+, nhiều mã thậm chí lỗ nặng. Nhà đầu tư bắt đáy sớm thường quyết định rút lui ngay khi cổ phiếu về tài khoản và nhà đầu tư có chút lãi cũng dễ hiện thực hóa ngay. Thanh khoản hai sàn niêm yết chiều nay tăng vọt 69% so với buổi sáng, HoSE tăng 65% và mặt bằng giá thấp hơn nhiều.
VN-Index kết phiên với 168 mã đóng cửa giảm quá 1% trong khi phiên sáng là 112 mã. Đặc biệt buổi sáng mới có 37 mã giảm quá 2%, chiều nay tới 106 mã. Các thống kê này xác nhận áp lực bán hạ giá xuất hiện trên diện rộng và các chỉ số lao dốc là hợp lý, không chỉ do ép trụ.
Thanh khoản của nhóm giảm sâu nhất quá 2% hôm nay chiếm tới 43,4% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE cả phiên và khá nhiều mã chịu sức ép cực mạnh. Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chiếm phần lớn số này, với nhóm nổi bật là MBB giảm 2,65%, DIG giảm 4,63%, VIX giảm 3,5%, VHM giảm 3,02%, SHB giảm 2,67%, CTG giảm 2,48%, VCI giảm 3,6%, VND giảm 2,48%, PDR giảm 5,07%, NVL giảm 2,68%. Tất cả các mã này đều thanh khoản tối thiểu 200 tỷ đồng tới trên 700 tỷ đồng.
Độ rộng VN-Index lúc đóng cửa ghi nhận 117 mã tăng/360 mã giảm. Tuy nhiên không nhiều cổ phiếu có thanh khoản tốt ở nhóm ngược dòng. MWG, TCB, FPT là 3 mã duy nhất khớp lệnh trên trăm tỷ đồng và giá tăng mạnh. PVP, SCS, NTL, BWE, HVN, IJC, CMG, PLX là số ít còn lại thanh khoản được trên 10 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay quay lại mua ròng nhưng không đáng kể 74,7 tỷ đồng. Phiên sáng khối này xả 366,6 tỷ đồng ròng. VHM bị bán nhiều nhất -177,3 tỷ trong khi phiên sáng mới là -45 tỷ. DIG, MSN, VND, SHB, DXG, PDR, NLG cũng bị bán khá nhiều. Phía mua có HPG +102,9 tỷ, MWG +90,7 tỷ, SSI +44,6 tỷ, BID +42,8 tỷ, VCB +33,8 tỷ, DGC +30,4 tỷ, KDH +32,8 tỷ.
VN-Index để mất 1% hôm nay nhưng chưa tạo đáy sâu mới. Mức thấp nhất của chỉ số này trong nhịp giảm hiện tại vẫn là đáy 1165,99 điểm hôm 19/4 vừa qua. Nếu thị trường không giảm sâu hơn, cơ hội hình thành vùng đáy sẽ lớn dần, dù các cổ phiếu riêng lẻ vẫn có nguy cơ điều chỉnh nữa.