Phục hồi thận trọng, thanh khoản bết bát
Áp lực bán tiếp tục có tín hiệu suy yếu, mở đường cho cơ hội hồi giá. Tuy nhiên lực cầu quá thận trọng khiến giao dịch sáng nay dù mạnh dần lên nhưng vẫn rất chậm chạp. Hai sàn chỉ khớp thành công khoảng 7.281 tỷ đồng, giảm 28% so với sáng hôm qua. Đây là mức giao dịch yếu nhất kể từ tuần trước Tết...
Áp lực bán tiếp tục có tín hiệu suy yếu, mở đường cho cơ hội hồi giá. Tuy nhiên lực cầu quá thận trọng khiến giao dịch sáng nay dù mạnh dần lên nhưng vẫn rất chậm chạp. Hai sàn chỉ khớp thành công khoảng 7.281 tỷ đồng, giảm 28% so với sáng hôm qua. Đây là mức giao dịch yếu nhất kể từ tuần trước Tết.
Việc Ngân hàng nhà nước trả ngược lại lượng tiền khá lớn khi đợt đáo hạn tín phiếu đầu tiên diễn ra đã kích thích một chút hào hứng ngay đầu phiên. VN-Index tăng cao nhất chỉ 5 phút sau khi có giá mở cửa, tăng khoảng 4,5 điểm. Tuy nhiên đến 10h30 chỉ số đã bổ nhào xuống dưới tham chiếu và tạo đáy sâu lúc 10h38, giảm 2,7 điểm. Dù vậy điểm nhấn là thanh khoản rất thấp, cho thấy bên bán cũng không quyết liệt. Thời gian còn lại thị trường hồi dần, chỉ số chốt phiên sáng tăng 2,73 điểm tương đương +0,22%.
Nhịp phục hồi này có cơ sở là các cổ phiếu trong rổ VN30 lên trước. VN30-Index ngay từ 11h08 đã bắt đầu vượt được tham chiếu một cách rõ ràng trong khi VN-Index đi sau khoảng 10 phút. Dẫn dắt không phải là các trụ lớn nhất mà là các mã tầm trung: MWG tăng 4,6%, MSN tăng 1,67%, VRE tăng 1,69%. Trong Top 10 vốn hóa thị trường chỉ duy nhất CTG tăng 1,49% là đáng kể.
VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,35% với 15 mã tăng/7 mã giảm. Trong khi đó Midcap chỉ tăng 0,28%, Smallcap vẫn đang giảm 0,04%. Biên độ hồi giá của các mã trong VN30 khá tốt. Nổi bật vẫn là MWG với biên độ dao động khoảng 5,02%. CTG, VRE cũng phục hồi tương ứng 1,34% và 1,48% so với đáy. Yếu hơn một chút là GVR, MSN, tương ứng 1,11% và 1,25%. Tất cả 30 mã trong rổ này đều thoát đáy với biên độ khác nhau, nhưng đa số vẫn còn nhẹ.
Thanh khoản rổ VN30 sáng nay rất yếu với 2.436 tỷ đồng, giảm hơn 27% so với sáng hôm qua. MWG, SSI, MBB là 3 mã duy nhất của rổ nằm trong Top 10 thanh khoản thị trường và giá còn xanh. Thực tế toàn bộ thị trường có 17 mã giao dịch trên 100 tỷ đồng thì VN30 đóng góp có 5 mã.
Dù vậy thanh khoản thấp trong tình huống này lại là tích cực, phản ánh áp lực bán giảm nhiều. Bên mua giao dịch rất chậm, thận trọng nhưng vẫn đẩy giá dần lên được. Nếu lượng bán lớn, hoặc giá sẽ phục hồi rất thấp với thanh khoản cao, hoặc sẽ quay đầu giảm. Do đó việc giảm bán là yếu tố thuận lợi mang tính thời điểm cho nhịp phục hồi ngắn trong phiên.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, cổ phiếu hồi giá cũng đáng kể, dù độ rộng không quá tích cực. Tại đáy VN-Index, chỉ số ghi nhận 130 mã tăng /271 mã giảm. Kết phiên sáng cũng chỉ là 180 mã tăng/226 mã giảm. Khả năng phục hồi vượt tham chiếu vẫn chưa nhiều, chứ không tính đến cơ hội tăng giá mạnh. Toàn sàn HoSE hiện chỉ có 48 mã tăng trên 1% với thanh khoản chiếm khoảng 22,4% tổng khớp của sàn.
Tuy nhiên nếu nhìn từ biên độ phục hồi thì thị trường sáng nay khá tích cực. HoSE có 110 mã phục hồi trên 1% kể từ đáy chiếm gần 32% số cổ phiếu phát sinh giao dịch. Dĩ nhiên không nhiều cổ phiếu phục hồi đến mức đổi màu giá thành công, nhưng biên độ hồi lớn cho thấy khả năng nâng đỡ vùng giá thấp cũng như biên lợi nhuận của dòng tiền bắt đáy. VTP, DGW, FTS, PNJ là các cổ phiếu có được thanh khoản khá tốt và giá đảo chiều. Còn lại đa số các mã thanh khoản nhỏ mới có thể hồi mạnh như QCG, BKG, ELC, NT2, SIP…
Biên độ hồi mạnh tập trung ở các cổ phiếu thanh khoản nhỏ cho thấy lợi thế truyền thống ở các mã này khi dòng tiền nhỏ tới trung bình cũng có thể điều tiết giá. Tuy nhiên đây không phải là cơ hội mang tính đại diện vì các nhà đầu tư lớn không giao dịch được. Có thể thấy ở rổ VN30, dù thanh khoản sáng nay nhỏ nhưng khả năng hồi giá cũng rất hạn chế, chỉ vài mã nảy lên được trên 1%.
Phía ngược lại, áp lực bán giảm nên hầu hết cổ phiếu giảm sâu nhất sáng nay cũng không có giao dịch lớn. HoSE ghi nhận 56 mã đang giảm trên 1% so với tham chiếu nhưng thanh khoản cũng chỉ chiếm 12%. Lác đác vài mã thanh khoản đáng kể là NTL giảm 3,4% giao dịch 56,9 tỷ đồng; FRT giảm 3,29% với 80,9 tỷ; TCH giảm 2,47% với 179,2 tỷ; DBC giảm 1,97% với 182,4 tỷ; BAF giảm 1,65% với 74,4 tỷ…
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng 183,3 tỷ đồng trên sàn HoSE và khoảng 10 tỷ nữa trên 2 sàn còn lại. Các mã bị xả lớn cũng không nhiều, tiêu biểu là VHM -76,8 tỷ, DBC -47,7 tỷ, TCH -25,4 tỷ, DIG -25 tỷ. Phía mua có SBT +55,2 tỷ, MWG +31,3 tỷ, MSN +20,6 tỷ.