Nhà đầu tư tháo chạy, giá dầu “bốc hơi” gần 7%
So với mức đỉnh 4 năm thiết lập vào tháng trước, giá dầu WTI hiện đã giảm 31%, còn giá dầu Brent đã mất 29%
Giá dầu thế giới có lúc giảm 7% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, chấm dứt chuỗi 4 ngày phục hồi liên tiếp trước đó và trở lại với xu hướng bán tháo vốn đã đẩy "vàng đen" vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
Bán tháo trở lại trên thị trường dầu thô diễn ra đồng thời với phiên bán tháo thứ hai liên tiếp trên thị trường chứng khoán Phố Wall. Chỉ số Dow Jones sụt hơn 500 điểm, sau khi mất gần 400 điểm hôm thứ Hai.
Tháng trước, dầu thô và chứng khoán Mỹ đã bị bán tháo cùng nhau, khi nhà đầu tư thoái vốn ồ ạt khỏi các tài sản rủi ro.
"Nỗi sợ tiếp theo là tình trạng sụt giảm của thị trường chứng khoán phản ánh sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế. Mà tăng trưởng kinh tế giảm sẽ dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu chững lại", Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates phát biểu.
Chốt phiên, giá dầu thô WTI giao sau tại New York mất 3,77 USD/thùng, tương đương giảm 6,6%, còn 53,43 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI giảm còn 52,77 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017.
Tại thị trường London, giá dầu Brent sụt 4,43 USD/thùng, tương đương giảm 6,6%, còn 62,36 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent giảm còn 61,71 USD/thùng, thấp nhất từ tháng 12/2017.
So với mức đỉnh 4 năm thiết lập vào tháng trước, giá dầu WTI hiện đã giảm 31%, còn giá dầu Brent đã mất 29%.
Diễn biến giá dầu WTI từ đầu năm đến nay - Nguồn: CNBC.
Giới đầu tư đang ngày càng lo ngại rằng nguồn cung dầu sẽ vượt xa nhu cầu tiêu thụ toàn cầu trong năm tới. Thị trường hiện đang kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, gồm Nga, sẽ bắt đầu một đợt cắt giảm sản lượng mới trong những tuần sắp tới để ngăn chặn tình trạng dư thừa dầu. Cuộc họp về vấn đề sản lượng của OPEC và Nga sẽ diễn ra sau 2 tuần nữa.
Tốc độ giảm giá của dầu trong phiên ngày thứ Ba đã bị đẩy nhanh sau khi Tổng thống Donald Trump ra một tuyên bố nói rằng Mỹ sẽ giữ vững quan hệ với Saudi Arabia sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Giới truyền thông Mỹ dẫn nguồn thạo tin nói rằng Cục Tình báo Trung ương nước này (CIA) kết luận thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia chính là người hạ lệnh sát hại ông Khashoggi. Tuy nhiên, ông Trump ngày 20/11 tỏ ra nghi ngờ về đánh giá này, nói rằng "có thể ông ấy (thái tử) đã làm vậy, mà cũng có thể là không".
Ngoài ra, gần đây, ông Trump cũng đã lên tiếng kêu gọi Saudi Arabia và OPEC không cắt giảm sản lượng. Giữ giá năng lượng ở mức thấp được cho là một ưu tiêu của ông Trump nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri Mỹ.
Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng Saudi Arabia và OPEC vẫn sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu để giảm bớt áp lực mất giá đối với hàng hóa này. Mới đây, Saudi Arabia đã phát tín hiệu rằng OPEC sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày.
Nguyên nhân chính khiến giá dầu đảo chiều chóng mặt sau khi lập đỉnh vào đầu tháng 10 là những dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm 2019 sẽ không tăng nhiều như kỳ vọng trước đó.
Ngoài ra, sản lượng dầu của ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Mỹ, Nga và Saudi Arabia đều đang ở mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục. Song song với đó, OPEC cũng đẩy mạnh khai thác dầu.
Áp lực giảm giá dầu càng tăng sau khi chính quyền ông Trump cho phép 8 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục được nhập dầu Iran trong 6 tháng mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Động thái này khiến OPEC bị "hớ", vì mới vào tháng 6, OPEC quyết định nâng sản lượng dầu do Washington tuyên bố sẽ thực thi nghiêm khác các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu lửa Iran.