Nhà sáng lập Huawei cảnh báo nhân viên về “thời khắc sống còn” của công ty
Ông Nhiệm Chính Phi, cảnh báo trong một bản ghi nhớ nội bộ rằng công ty đang ở vào “thời khắc sống còn”
Nhà sáng lập Huawei, ông Nhiệm Chính Phi, cảnh báo trong một bản ghi nhớ nội bộ rằng công ty đang ở vào "thời khắc sống còn" - hãng tin Bloomberg cho hay.
Cũng trong bản ghi nhớ đề ngày 19/8, ông Nhiệm kêu gọi những nhân viên còn chưa làm việc hết công suất thành lập "đội đặc nhiệm" để xem xét các dự án mới. Những người không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị giảm lương theo định kỳ, thậm chí có thể bị sa thải.
Từ tháng 5 đến nay, Huawei thu hút sự chú ý lớn trên toàn cầu, vừa với tư cách là một thương hiệu công nghệ tầm cỡ, vừa do công ty này bị Chính phủ Mỹ đưa vào "danh sách đen". Sự trừng phạt của Washington khiến Huawei bị hạn chế trong việc mua linh kiện và công nghệ Mỹ.
Ngày 19/8, Mỹ ra hạn giấy phép chung tạm thời cho phép Huawei có thêm 90 ngày mua linh kiện và công nghệ Mỹ để phục vụ khách hàng cũ. Tuy nhiên, sự bấp bênh do lệnh trừng phạt của Mỹ đã và sẽ tiếp tục gây ra thiệt hại lớn cho Huawei. Theo Bloomberg, cho dù Huawei cuối cùng có được dỡ trừng phạt, thì ảnh hưởng của những xáo trộn xảy ra trong mùa hè 2019 đối với công ty sẽ là rất sâu rộng.
Ảnh hưởng đầu tiên phải kể đến là mất mát thị phần của Huawei trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu. Dữ liệu nội bộ của Huawei cho thấy công ty dự báo doanh số smartphone giảm 60 triệu chiếc trong 2019 so với kịch bản không bị Mỹ trừng phạt.
Theo dữ liệu của IDC, trong năm ngoái, Huawei đạt doanh số 206 triệu chiếc smartphone, tăng 34%. Trong quý 1/2019, doanh số smartphone của Huawei tăng 50%, trong khi doanh số của hai đối thủ chính là Samsung và Apple cùng giảm. Tuy nhiên, trong quý 2, khi bắt đầu bị Mỹ áp hạn chế, tăng trưởng doanh số smartphone của Huawei chỉ còn 8,3%.
Đã thiết lập được một chỗ đứng trên thị trường châu Âu, Huawei trên đà trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới về doanh số. Tuy nhiên, việc không được tiếp tục sử dụng phần mềm hệ điều hành Android cũng như hệ sinh thái ứng dụng Play Store của Google do lệnh cấm của Mỹ, smartphone của Huawei trở nên kém hấp dẫn ở thị trường ngoài Trung Quốc.
Bản ghi nhớ của ông Nhiệm cảnh báo những nhân viên "nhàn rỗi" nên tìm cách để làm bản thân trở nên hữu ích với công ty.
"Họ nên thành lập một ‘đội đặc nhiệm’ để thăm dò các dự án mới. Họ có thể được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo nếu họ làm tốt", ông viết. "Hoặc họ có thể tìm việc làm trong nội bộ công ty. Nếu họ không tìm được một vai trò nào, thì lương của họ sẽ bị giảm 3 tháng một lần".
Theo chính Huawei cho biết, mảng thiết bị tiêu dùng - với những sản phẩm như smartphone và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác - giữ vai trò "đầu tàu" tăng trưởng của công ty. Năm ngoái, mảng này chiếm 45% tổng doanh thu. Tuy nhiên, đây cũng là mảng hiện đang đối đầu nhiều thách thức nhất trong Huawei do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Không được tiếp tục dùng Android cho sản phẩm mới, các kỹ sư phần mềm trong mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei đang làm việc hết tốc lực để tạo ra một hệ điều hành thay thế. Sau khi bị Mỹ ban lệnh cấm, Huawei đã chuyển sang chế độ làm việc 24 giờ làm việc mỗi ngày. 10.000 kỹ sư được triển khai theo ba ca làm việc để giảm thiểu nhu cầu đối với linh kiện và công nghệ Mỹ.
Mới đây, Huawei đã trình làng hệ điều hành riêng có tên HarmonyOS. Tuy động thái này chứng tỏ rằng Huawei có thể tự tạo ra một hệ điều hành của riêng mình, giới phân tích không cho rằng hệ điều hành của Huawei đã hội đủ khả năng thay thế Android.
Một vấn đề lớn khác mà Huawei phải đối mặt hiện nay là tình trạng chảy máu chất xám do nhiều nhân viên rời công ty do tình hình khó khăn. Mặt khác, Huawei cũng phải giảm bớt nhân sự để ứng phó với tình hình mới. Hồi cuối tháng 7, Huawei sa thải hàng trăm nhân viên ở Mỹ.
Ông Nhiệm viết rằng ưu tiên của Huawei hiện nay là nhân viên phải có "những hành động đáng để khen ngợi" và các nhà quản lý phải "khuyến khích những nhân viên xuất sắc một cách sớm nhất có thể để mang lại sinh khí mới" cho công ty.