08:00 15/02/2021

Nhân dân thêm tin tưởng vào chính sách xã hội

Dũng Hiếu

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ Lao động, thương binh và xã hội xác định việc phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh & xã hội
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh & xã hội

Cũng như nhiều ngành khác, năm qua, ngành lao động, thương binh và xã hội cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trước tác động của đại dịch Covid-19. 

Trao đổi với VnEconomy, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng  Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, với phương châm điều hành chỉ đạo "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả" ngành đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2020.

Nhìn lại năm 2020, một năm cả nước phải đối mặt với những biến cố dịch bệnh Covid-19, thiên tai kinh hoàng và đã nỗ lực vượt qua. Với riêng ngành Lao động, thương binh và xã hội đã vượt qua năm 2020 như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Trong năm 2020, căn cứ vào Nghị quyết số 85 của Quốc hội Khóa XIV, Nghị quyết số 01/CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ mà Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã đưa ra kế hoạch hành động, có thể tóm tắt gồm năm vấn đề trọng tâm. Đó là: xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo gắn với thị trường lao động. Tạo lập các điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm đồng bộ, linh hoạt, minh bạch, cạnh tranh và hội nhập. 

Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội. Phương châm điều hành chỉ đạo của Bộ cả năm vấn đề đó nằm trong mười chữ: "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả".

Nhìn lại năm 2020, chúng ta chịu nhiều tác động to lớn từ đại dịch Covid-19, rồi bão chồng bão, lũ chồng lũ, sụt lở đất ở miền Trung, Tây Nguyên gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, khi thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, ngành lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn. 

Tuy vậy, dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Lao động, thương binh và xã hội đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Đặc biệt đã nghiên cứu, đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân...

Một trong những vấn đề nổi bật trong năm qua có lẽ là vấn đề đứt gãy của thị trường lao động khi gặp đại dịch Covid-19. Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã xử lý vấn đề này như thế nào để cuối năm thị trường khởi sắc hơn, thưa ông?

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động. Cụ thể: tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng và nhu cầu thị trường lao động; điều tra nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp. 

Thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Chỉ đạo rà soát các quy định pháp luật về lao động và các văn bản có liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp phương án hỗ trợ, thực hiện các chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh.

Bước sang quý IV/2020, thị trường lao động phục hồi, nhiều lĩnh vực có tín hiệu tốt, các ngành, nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường. Năm 2020 đã giải quyết việc làm mới cho gần 1,4 triệu lao động, góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị tính chung cả năm là 3,61%, đạt mục tiêu đề ra. Chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 64,5%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%, xấp xỉ đạt mục tiêu. 

Đáng mừng là nhận thức về học nghề trong toàn xã hội và người dân đã có bước chuyển biến mạnh; vị thế vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân được nâng lên. Báo cáo mới nhất của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết: Việt Nam xếp vào nhóm các quốc gia phát triển con người cao, ở vị trí 117/189 quốc gia; chỉ số nguồn nhân lực chỉ sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Thưa ông, có lẽ đại dịch Covid-19 cũng cho thấy một cách nhìn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là cách nhìn về thị trường lao động trong thời gian tới khi chúng ta đang quan tâm xây dựng một thị trường lao động hiện đại?

Giai đoạn vừa qua đã hoàn thiện một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghia trong lĩnh vực lao động và xã hội; tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp của Nhà nước, không bỏ lại phía sau các đối tượng yếu thế. Các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hình thành và phát triển thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hiệu quả của thị trường như thông lệ các nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các ngành, các khu vực của nền kinh tế. 

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ Lao động, thương binh và xã hội xác định việc phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là một trong sáu trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Bộ.

Còn việc thực hiện công tác người có công và xã hội được đánh giá như thế nào, thưa ông?

Nhìn lại 5 năm và đặc biệt là năm 2020, các nhiệm vụ về lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng thực hiện tốt, đời sống của nhân dân được cải thiện. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, có dấu ấn đặc biệt. Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng với mức thụ hưởng chính sách không ngừng được nâng cao. 

Về người có công với cách mạng, đến nay có 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, cơ bản không còn hộ nào trong diện hộ nghèo. Đánh giá vấn đề này, theo khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo TƯ, niềm tin của nhân dân về chính sách xã hội có tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc so với năm 2019.

Bước vào năm 2021 vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước. Xin ông cho biết ngành Lao động, thương binh và xã hội đã có kế hoạch như thế nào để hoàn thành các chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã giao?

Nhiệm vụ của ngành trong năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao là tương đối nặng nề, nhưng đó cũng thể hiện sự tin tưởng đối với toàn ngành Lao động, thương binh và xã hội. Đối với 2 chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 124 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, chúng tôi xác định là các chỉ tiêu phấn đấu tổng hợp, cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của toàn xã hội. Trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định cùng với những khó khăn, thách thức mà nước ta phải đối mặt do ảnh hưởng bởi tình hình phức tạp của thế giới, khu vực cũng như tác động tiêu cực còn có thể kéo dài của đại dịch Covid-19...

Trước mắt, chúng tôi tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. 

Tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Bước vào những tháng đầu năm 2021, chúng tôi tập trung xây dựng và triển khai thực hiện nhanh, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đề ra. Chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc và nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế để phục vụ cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội...