09:39 06/11/2008

Nhận định của báo chí các nước về thắng lợi của ông Obama

Kiều Oanh

Báo chí quốc tế tràn ngập thông tin về thắng lợi của ông Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay

Nhiều tờ báo trên thế giới đã đăng tải thông tin về chiến thắng của ông Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh: AFP.
Nhiều tờ báo trên thế giới đã đăng tải thông tin về chiến thắng của ông Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh: AFP.
Tới thời điểm này, báo chí quốc tế đã tràn ngập thông tin về thắng lợi của ông Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, cũng như dự báo ảnh hưởng của nhiệm kỳ tổng thống này của ông Obama đối với thế giới.

Hãy cùng điểm qua tin bài trên một số tờ báo lớn của thế giới về vấn đề này.

Tờ International Herald Tribune của Mỹ cho rằng, nước Mỹ đã “nhảy” qua được ranh giới màu da, và gọi ông Obama là “người đàn ông da màu 47 tuổi làm nên lịch sử vì màu da của mình và cũng bất chấp màu da của mình”.

Tờ Times of London của Anh thì nhận xét, ông Obama đã làm hồi sinh lại nền chính trị Mỹ. “Kết quả vĩ đại của cuộc bầu cử này là bằng chứng rõ ràng về nhiệt huyết, sự hứng khởi và những kỳ vọng của một nền dân chủ Mỹ được hồi sinh, cũng như những nỗi lo sợ của một dân tộc đang đứng giữa ngã tư đường của lịch sử”, tờ báo viết.

Bài báo trên còn bổ sung thêm rằng, “di sản” mà ông Obama nhận được từ người tiền nhiệm George W. Bush sẽ chứa đựng đầy thử thách: “Tân Tổng thống phải đối mặt với những khó khăn lớn về kinh tế và xã hội trong nước, cũng như xung đột ở ngoài nước”.

Một tờ báo khác của Anh là tờ Guardian thì tập trung vào phân tích đặc điểm chiến thắng của đảng Dân chủ trong các lần bầu cử ở Mỹ. “Chiến thắng cuối cùng cũng đến dễ dàng như các cuộc thăm dò ý kiến trước đó đã dự báo”, tờ báo nhận xét, đồng thời so sánh chiến thắng của ông Obama với chiến thắng của Tổng thống Roosevelt năm 1932 và Tổng thống Reagan năm 1980.

Tại Đức, tờ Der Spiegel đăng bài viết của phóng viên thường trú tại Chicago, gọi chiến thắng của ông Obama là điều “lạ lùng” và “khả năng kỳ lạ của ông trong việc đứng ngoài vòng những cám dỗ xung quanh ông có thể chứng minh một nguồn sức mạnh trong con người này”.

Đài truyền hình Arab Al Jazeera cho rằng, ông Obama đã “lướt tới quyền lực trên một làn sóng bất bình của cử tri do chính những thất bại của Tổng thống Bush và đảng Cộng hòa tạo nên”, và cho rằng ông sẽ phải đối mặt với “những thử thách có một không hai”. Kênh truyền hình này cũng nhận định, ông Obama phải “hành động nhanh chóng” để lấy lại niềm tin trong nền kinh tế Mỹ và trên đất Mỹ, đồng thời cho rằng “cơn ốm vì chiến tranh” của nước Mỹ sẽ khiến nước này “ít có khả năng đưa ra thêm những cam kết quân sự nào lớn ở nước ngoài”.

Tờ Jerusalem Post của Israel cho biết, theo như đánh giá của các nhà ngoại giao ở Jerusalem, chuyển giao chính sách đối với khu vực Trung Đông từ chính quyền Tổng thống Bush sang chính quyền của ông Obama sẽ là “sự tiến triển, chứ không phải một cuộc cách mạng”.

Tờ nhật báo Haaretz của Israel gọi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này là “một ví dụ tiêu biểu nhất về sự dân chủ”, và nhấn mạnh “người Mỹ có quá nhiều cơ hội” để tìm hiểu về chính sách và lập trường của các ứng cử viên trong các vấn đề then chốt. Tờ báo này cũng ca ngợi ảnh hưởng của ông Obama trong việc đoàn kết dân tộc khi nhận xét: “Người da đen và da trắng, người theo đạo Thiên chúa và người theo đạo Hồi, tất cả cùng quyết định bỏ phiếu cho một ứng cử viên trẻ tuổi, da màu và chưa có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ”.

Tờ báo cũng bày tỏ hy vọng rằng, tân Tổng thống Mỹ sẽ “phục hồi lại địa vị của một siêu cường quốc hiện vẫn không có đối thủ trong vấn đề ảnh hưởng đối với hòa bình và thịnh vượng của toàn nhân loại”.

Tờ China Daily của Trung Quốc chúc ông Obama mạnh khỏe và nhận định, mặc dù giành chiến thắng ấn tượng, ông Obama sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc chiến ở Iraq. Cũng theo tờ báo này, đây chính là những lý do dẫn tới chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử này. Bài báo nói thêm: “Chúng ta có đủ lý do để tin rằng nước Mỹ mới sẽ có thái độ hợp tác và sẵn sàng đối thoại hơn”.

Một tờ báo khác của châu Á là The Asia Times gọi chiến thắng của ông Obama là “hồi kết của một kỷ nguyên dưới chuẩn”, trong khi gọi chính quyền của Tổng thống Bush là “những nhà buôn kiểu cổ điển kiểu Mỹ với niềm đam mê là bán hàng”.

Tờ Times of India của Ấn Độ gọi ông Obama là “một người ủng hộ quan hệ đối tác mật thiết với Ấn Độ” và cho biết, ông Obama đã “chỉ rõ rằng Ấn Độ không gây bất kỳ mối đe dọa nào đối với Pakistan”. Tuy nhiên, tờ báo này cũng bày tỏ sự lo ngại về thái độ của ông Obama trong việc hạn chế hoạt động thuê ngoài của các công ty Mỹ - một chính sách có thể gây tác động tiêu cực đối với Ấn Độ.

Tại châu phi, tờ Kenya Times của Kenya, quê nội ông Obama, cho biết, người Kenya mừng rỡ vì chiến thắng này của ông và gọi ông Obama là “đứa con sáng chói nhất của mảnh đất này”. Tờ báo còn nhận định, ông Obama đã “chứng minh đầy sức thuyết phục rằng thế giới có thể trở nên tốt đẹp hơn thông qua hoạt động ngoại giao, thay vì các chiến thuật đe dọa và sử dụng vũ lực”.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cũng cho rằng, nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế Mỹ của ông Obama là hết sức khó khăn, đồng thời cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ đã “đẩy thị trường tài chính toàn cầu vào một vòng xoáy”.

Tại Nga, tờ Pravda giật tít “8 năm địa ngục đã kết thúc”. Bài báo chỉ ra những thất bại của Tổng thống Bush và chỉ trích nước Mỹ trong vấn đề khủng hoảng tài chính.

Tờ Sydney Morning Herald của Australia thì ca ngợi chiến dịch tranh cử của ông Obama và gọi đó là một “phong trào chính trị tuyệt vời của những người bình dân, với sự hỗ trợ của nhiều triệu USD tiền vận động tranh cử được huy động”. Tờ báo cho rằng “sự nổi lên đáng khâm phục” của ông Obama để lãnh đạo một đất nước “vẫn còn bị chia cắt bởi sắc tộc” sẽ chấm dứt “thời kỳ 8 năm đầy biến động dưới chính quyền ông Bush”.

(Theo CNN)