08:19 14/04/2011

Nhân tài Google “đáng giá” bao nhiêu?

Thu Lan

Cuối năm ngoái, Google từng chi 3,5 triệu USD để giữ một kỹ sư định bỏ sang Facebook, nhưng con số này giờ chỉ là "chuyện nhỏ"

Google đã chi 150 triệu USD bằng cổ phiếu để giữ chân hai nhân viên.
Google đã chi 150 triệu USD bằng cổ phiếu để giữ chân hai nhân viên.
Cuối năm ngoái, Google từng gây sốc khi chấp nhận chi 3,5 triệu USD để níu kéo một kỹ sư có ý định bỏ ngang sang đầu quân cho Facebook, nhưng con số này giờ chỉ là "chuyện nhỏ".

Theo trang công nghệ TechCrunch dẫn nhiều nguồn tin giấu tên, Google đã chi một khoản tiền lên tới 150 triệu USD bằng cổ phiếu để giữ chân hai nhân viên Sundar Pichai và Neal Mohan ở lại tiếp tục làm việc cho hãng.

Cụ thể, Neal Mohan sẽ được hưởng lượng cổ phiếu trị giá 100 triệu USD, để từ chối đề nghị chức vụ trưởng phòng sản phẩm tại Twitter. Còn Sundar Pichai được hưởng 50 triệu USD bằng cổ phiếu, cũng để từ chối một vị trí tại Twitter.

Cả Mohan và Pichai đều đồng ý với đề nghị của Google. Việc Google chấp nhận chi một khoản tiền lớn như vậy cho thấy sức mạnh của đồng tiền mà "gã tìm kiếm trực tuyến khổng lồ" này đưa ra để giữ chân nhân tài.

Đầu tháng 9 năm ngoái, Google đã tiết lộ với thế giới về những chiêu thức nhằm giữ chân nhân viên. Những gói lương bổng hào phóng hết mức được đưa ra, để "chặn" kĩ sư có ý định chuyển công tác sang LinkedIn, Twitter và đặc biệt là Facebook.

Tuy nhiên, việc số lượng thành viên của các mạng xã hội như Facebook, Twitter tăng vọt, doanh thu tăng đột biến, kết hợp với việc chuẩn bị chào bán ra công chúng lần đầu tiên thực sự trở thành “giếng” hút nhân tài.

Trang công nghệ TechCrunch đã bình luận hài hước rằng: “Nếu bạn là một nhân viên Google và bạn từ chối cuộc phỏng vấn với Facebook, Twitter hay Zynga, bạn thật khờ dại”.

Trở lại vụ 150 triệu USD, biên tập viên Michael Arrington của TechCrunch khẳng định, Google đang có “gián điệp” bên trong Twitter, nhờ vậy biết được Twitter định ưu đãi gì cho nhân viên của mình, để từ đó nhanh chóng đưa ra kế sách phù hợp.

Trong sự việc này, Google chủ động đưa ra những khoản đề nghị tiền thưởng lớn với Mohan và Pichai trước cả khi Twitter tiết lộ những quyền lợi, lương thưởng cho các ứng cử viên mà họ đang muốn tuyển.

Tất nhiên, cách làm trên cũng đặt ra một thách thức cho Google: khi thưởng cho những người có “tiềm năng đào ngũ” bằng những khoản tiền lớn như vậy, họ đang tạo ra một động lực để các nhân viên tìm kiếm cơ hội việc làm ở những nơi khác.

Các nhân viên cao cấp của hãng nhiều khả năng sẽ nhận thức được tầm quan trọng của mình và đưa ra những yêu cầu về mức lương mà họ muốn, bằng cách đe dọa sẽ chuyển sang các hãng đối thủ khác.