Nhiều bất cập, xuất khẩu tôm khó cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2025?
Năm 2021, diễn biến dịch bệnh Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường, khiến xuất khẩu tôm đối mặt với một số thách thức mới, nhất là sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm...
Tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 339/QĐ-TTg” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16/7/2021, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết ngành nuôi tôm đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập cần phải giải quyết.
NGÀNH NUÔI TÔM CÒN NHIỀU ĐIỂM YẾU
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn.
Dẫu vậy, ông Trần Đình Luân cho rằng, vấn đề đáng lo nhất hiện nay của ngành nuôi tôm là chất lượng tôm giống kém, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao. Hiện phần lớn tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới chỉ cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất.
Đặc biệt, vào mùa cao điểm thả giống, vùng nuôi trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn số lượng lớn tôm giống nhập từ các tỉnh Nam Trung bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Cục An ninh Kinh tế Nông, Lâm, Ngư nghiệp (A04) và Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm có dấu hiệu vi phạm; chủ động phối hợp với đoàn công tác liên ngành của các tỉnh trọng điểm tiêu thụ tôm giống vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… kiểm tra các phương tiện vận chuyển giống thuỷ sản qua địa bàn các tỉnh.
Từ đó, đã xử lý vi phạm hành chính 11 cơ sở chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản; sử dụng tôm bố mẹ không có nguồn gốc. Số tôm bố mẹ bị buộc tiêu huỷ/chuyển mục đích sử dụng là 15.000 con, đây là số lượng tôm bố mẹ lớn nhất từ trước tới nay bị tiêu huỷ. Bên cạnh đó, đã kiểm tra, phát hiện 28 phương tiện vận chuyển tôm giống không có Giấy kiểm dịch, xử phạt vi phạm hành chính và buộc tiêu huỷ 10 triệu con tôm giống.
Ông Luân cho hay, nhiều vùng nuôi tôm thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện). Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Vấn đề tồn tại nữa của ngành nuôi tôm, đó là giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực, nguyên nhân do giá thức ăn nuôi tôm quá cao.
XUẤT KHẨU TÔM ĐÃ MANG VỀ 1,5 TỶ USD
Theo tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó, tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD. Giá tôm nguyên liệu tăng cao, kéo dài từ cuối năm 2020 đến những tháng đầu năm 2021 đã kích thích các doanh nghiệp, người nuôi mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, 1 - 2 tháng gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện giảm do các thương lại bị hạn chế đi lại, hoạt động thu mua, vận chuyển tôm bị gián đoạn.
Về xuất khẩu, ông Trần Đình Luân cho biết ngành tôm năm nay gặp phải một số thách thức mới, như sự thay đổi quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.
Hàn Quốc đưa ra quy định, sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Tại thị trường Brazil quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới.
Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản hy vọng các tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới sẽ tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong khi đó, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19. Đồng thời hiện nay, tôm Ấn Độ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao và ngành tôm Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội do ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTTP và EVFTA...
Ngành thủy sản đặt kế hoạch cả năm 2021, duy trì phát triển ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 740 nghìn ha, trong đó 630 nghìn ha nuôi tôm sú và 110 nghìn ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Sản lượng tôm thu hoạch cả năm 2021 đạt 980 nghìn tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 633 nghìn tấn (còn lại là tôm khác). Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,8 - 4 tỷ USD.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thộn từ nay đến năm 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD. Trong khi, hiện tại mỗi năm xuất khẩu tôm mới đem về 3,5-4 tỷ USD. Trong 5 năm tới phải tăng kim ngạch xuất khẩu tôm lên gấp 2,5 lần là nhiệm vụ nhiều gian khó.
“Trước hết cần phải tăng sản lượng tôm nuôi. Diện tích nuôi tôm của Việt Nam hiện nay khoảng 740.000 ha, không còn dư địa cho việc tăng diện tích nuôi tôm. Thậm chí, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, muốn tăng năng suất thì cần phải nâng cao chất lượng con giống, thức ăn, kiểm soát môi trường nuôi và thú y phòng bệnh”, ông Tiến khuyến cáo.
Cùng với đó, cần giải quyết các bất cập của ngành tôm hiện nay về quy mô, sản lượng và giá thành; củng cố, phát triển ngành tôm, tạo đà phát triển, chuẩn bị những bước xa hơn, bứt phá nhanh hơn trong thời kỳ tới.
“Cần thống nhất hành động trong 3 trục (Chính phủ, doanh nghiệp, người dân) để quyết tâm xây dựng ngành tôm thành một ngành hàng lợi thế, mang lại giá trị cao nhất và có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, cần đẩy mạnh chế biến với công nghệ cao, nhiều sản phẩm, nhiều thị trường thì chúng ta mới đạt được mục tiêu Chính phủ giao cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.