Nhiều CEO rút khỏi sự kiện lớn tại Saudi Arabia sau vụ nhà báo mất tích
Sau vụ nhà báo Mỹ Jamal Khashoggi mất tích, nhiều CEO của các công ty lớn tuyên bố sẽ không tham gia sự kiện đầu tư lớn "Davos ở Sa mạc" diễn ra tại Saudi Arabia cuối tháng này
Người phát ngôn của JPMorgan Chase ngày hôm qua (14/10) cho biết CEO Jamie Dimon của ngân hàng này sẽ không tham gia sự kiện đầu tư được mệnh danh là "Davos ở Sa mạc" (Davos in the desert) diễn ra cuối tháng này tại Saudi Arabia như dự kiến.
Ngoài ra, hãng xe Ford cũng cho biết chủ tịch Bill Ford sẽ không tham gia sự kiện này theo lịch trình dự kiến ban đầu.
Dimon và Ford là hai trong nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tuyên bố rút khỏi dự kiện này trong tuần qua, gồm Richard Branson - Chủ tịch Virgin Group, Dara Khosrowshahi - CEO Uber, Bob Bakish - CEO của Viacom, Arianna Huffington - cựu tổng biên tập tờ Huffington Post và Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Theo CNN, hội thảo "Davos ở Sa mạc" trở thành tâm điểm bị dư luận phản đối kịch liệt sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi biết mất không lý do tại lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Khashoggi là cựu cố vấn của chính phủ Saudi Arabia, phóng viên của tờ Washington Post và thường xuyên có những bài báo chỉ trích chính quyền Saudi Arabia.
Hội thảo trên, được tổ chức bởi Quỹ Đầu tư Quốc gia Saudi Arabia và có tên chính thức là "Sáng kiến Đầu tư Tương lai". Đây là một trong những nỗ lực của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nhằm hiện đại hoá nền kinh tế đất nước và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Nhiều đơn vị truyền thông, trong đó có CNN, cũng rút khỏi sự kiện này trong bối cảnh quan ngại về số phận của nhà báo Khashoggi ngày càng gia tăng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ vẫn tham gia sự kiện này như dự kiến. Người phát ngôn Bộ tài chính Mỹ ngày hôm qua cho biết "các quan chức sẽ đánh giá những thông tin được đưa ra trong tuần này" về điều đã xảy ra với nhà báo Khashoggi.
Thị trường cổ phiếu Saudi Arabia sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày chủ nhật khi làn sóng phản đối liên quan tới vụ việc ngày càng mạnh mẽ. Chỉ số chính của thị trường cũng giảm 7%, "bay hơi" hàng tỷ USD vốn hoá của các công ty hàng đầu Saudi Arabia. Chỉ số này sau đó phục hồi và đóng cửa ở mức giảm 3,5%.
Ngày hôm qua, chính phủ Saudi Arabia đe doạ sử dụng các biện pháp kinh tế nếu có bất kỳ động thái trừng phạt nào đối với vương quốc này do làn sóng phản đối quốc tế liên quan tới sự biến mất của nhà báo Khashoggi.
"Chúng tôi sẽ đáp trả bất kỳ đe doạ hy nỗ lực đe doạ áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế, gây áp lực chính trị hoặc liên tiếp cáo buộc sai sự thật", hãng thông tấn quốc gia của Saudi Arabia cho biết. "Saudi Arabia có vai trò ảnh hưởng sống còn tới nền kinh tế toàn cầu".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng Saudi Arabia sẽ phải đối mặt với "sự trừng phạt nghiêm trọng" nếu chính phủ này đã sát hại Khashoggi.
Làn sóng phản đối quốc tế đang hướng về phía Saudi Arabia khi nhà báo Khashoggi biến mất sau khi vào lãnh sự quán của nước này tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng. Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ có bằng chứng rằng ông Khashoggi - một công dân Mỹ, đã bị sát hại tại đây - cáo buộc mà chính phủ Saudi Arabia cực lực phủ nhận.
Mevlut Cavusoglu, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phía Saudi Arabia không hợp tác với công tác điều tra, mặc dù đã đề xuất lập một "nhóm làm việc chung" với cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Anh, Pháp, Đức đã phát đi một thông cáo chung cho biết coi đây là "vụ việc vô cùng nghiêm trọng" và "kỳ vọng chính phủ Saudi Arabia đưa ra phản hồi đầy đủ và chi tiết".
Theo giới quan sát, tính chất nghiêm trọng của vụ việc này có nguy cơ châm ngòi cho căng thẳng ngoại giao lớn nhất trong vài năm trở lại đây giữa Saudi Arabia và các đồng minh phương Tây.