Nhiều đồng tiền mới nổi bị bán tháo theo Lira Thổ Nhĩ Kỳ
Cú sụt giảm chóng mặt của đồng Lira khiến giới đầu tư lo sợ, bán tháo đồng tiền của nhiều quốc gia mới nổi khác
Cú sụt giảm chóng mặt của đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai đã khiến giới đầu tư lo sợ và bán tháo đồng tiền của nhiều quốc gia mới nổi khác.
Từ đầu năm đến nay, đồng Lira đã sụt giá hơn 40% do những mối lo về những vấn đề rất riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cách Chính phủ nước này giải quyết nền kinh tế tăng trưởng quá nóng và mâu thuẫn giữa Ankara với Washington về số phận của một mục sư người Mỹ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ. Tuy nhiên, đợt bán tháo đồng Lira diễn ra những ngày qua đã có ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, đặc biệt là các thị trường mới nổi.
Theo tin từ CNBC, trong phiên đầu tuần, tỷ giá đồng tiền nhiều quốc gia mới nổi đã chạm đáy nhiều năm.
Trong đó, đồng Rand của Nam Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Có thời điểm, tỷ giá đồng Rand so với USD sụt hơn 10%, trước khi phục hồi lại mức 14,51 Rand đổi 1 USD. Hiện tỷ giá đồng Rand đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Tỷ giá đồng Rupee của Ấn Độ rớt xuống mức thấp kỷ lục, với 69,62 Rupee đổi 1 USD, sau đó phục hồi nhẹ khi Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ công bố biện pháp can thiệp thị trường.
Đồng Rupiah của Indonesia chạm mức thấp nhất gần 3 năm, khiến Ngân hàng Trung ương nước này phải can thiệp vào thị trường để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ.
Vào buổi sáng ngày thứ Hai tại thị trường châu Á, tỷ giá đồng Lira so với USD có lúc rớt xuống mức 7,24 Lira đổi 1 USD, thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Sau đó, nhờ sự can thiệp thị trường của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Lira phục hồi về ngưỡng 6,78 Lira đổi 1 USD vào cuối ngày giao dịch.
Trong cuộc can thiệp khẩn cấp này, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bơm thanh khoản vào thị trường thông qua cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với một số giao dịch, đồng thời hứa sẽ theo dõi sát các diễn biến và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ phát hành một loại trái phiếu thời hạn 91 ngày "để đa dạng hóa các công cụ vay vốn và hỗ trợ thị trường tài chính".
"Những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ là khá riêng biệt và chỉ nên dẫn đến tâm lý né tránh rủi ro trong ngắn hạn", chiến lược gia Jim Reid của Deutsche Bank nói trong một báo cáo ra ngày thứ Hai. Tuy nhiên, theo ông Reid, những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể được xem như ví dụ điển hình về biến động thị trường gây ra bởi việc các ngân hàng trung ương lớn thu hồi biện pháp kích thích tăng trưởng mạnh tay.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Bist 100 của thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.
Tại thị trường châu Âu, cổ phiếu Unicredit, BBVA và BNP Paribas - ba trong số những ngân hàng nắm giữ nhiều nợ Thổ Nhĩ Kỳ nhất - đồng loạt sụt giảm do giới đầu tư lo ngại đồng Lira mất giá sâu sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ giảm khả năng thanh toán nợ ngoại tệ.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đặc biệt dễ tổn thương do biến động tỷ giá bởi mức nợ ngoại tệ ccao. Theo ước tính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ tương đương hơn 50% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này.