10:35 30/09/2022

Nhiều dự báo Bảng Anh ngang giá USD vào cuối năm

Đức Anh

"Lạm phát tăng kết hợp với sự trì trệ của nền kinh tế sẽ tiếp tục khiến Bảng Anh mất giá so với USD, sau khi đồng tiền này giao dịch ở mức thấp kỷ lục đầu tuần này"...

Ảnh minh họa: Getty Images
Ảnh minh họa: Getty Images

Trong một báo cáo gần đây, chiến lược gia Kamal Sharma của Bank of America (BoA) nhận định nước Anh đang rơi vào cuộc khủng hoảng mang tính sống còn, tương tự như lần Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Ông Sharma dự báo cuộc khủng hoảng này sẽ sớm đẩy đồng bảng Anh ngang giá với đồng USD, có thể vào cuối năm nay.

“Lạm phát tăng kết hợp với sự trì trệ của nền kinh tế sẽ tiếp tục khiến Bảng Anh mất giá so với USD, sau khi đồng tiền này giao dịch ở mức thấp kỷ lục đầu tuần này”, ông nhận định.

Bank of America là ngân hàng Phố Wall mới nhất đưa ra dự báo rằng Bảng Anh sẽ ngang giá với USD trong năm nay. Trước đó, các nhà phân tích tại Morgan Stanley và Citigroup Inc. cũng đưa ra nhận định tương tự. Tỷ giá đồng Bảng Anh so với USD đang ở mức thấp tương đương trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và thời điểm người Anh bỏ phiếu rời EU.

Theo ông Sharma, kế hoạch tài khoá mà chính phủ của tân Thủ tướng Liz Truss công bố tuần trước đã không thể cải thiện niềm tin của nhà đầu tư ở Anh bởi việc lãi suất tăng lên đang gây áp lực cho tài chính công tại quốc gia này.

Tuy nhiên, Chính phủ mới vẫn kiên định với kế hoạch của mình. Bà Truss cho rằng những biến động mạnh trên thị trường tài chính vừa qua không phải do kế hoạch này mà do những áp lực của nền kinh tế toàn cầu.

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss - Ảnh: AP
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss - Ảnh: AP

Tuần trước, Bộ Tài chính Anh công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 45 tỷ Bảng, bao gồm chương trình giảm thuế quy mô lớn chưa từng thấy tại quốc gia này kể từ năm 1972. Chương trình được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Anh dự kiến chi khoảng 150 tỷ USD để hỗ trợ chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng leo thang khắp châu Âu. 

Không giống các chương trình giảm thuế lớn vào những năm 1980, lần này, Chính phủ Anh dự kiến vay hàng chục tỷ Bảng để thực hiện. Điều này gia tăng thêm áp lực cho nền kinh tế trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đang tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.

Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng cho biết chương trình này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 2,5%. Những năm gần đây, kinh tế Anh tăng trưởng ì ạch và có thể đã rơi vào suy thoái kinh tế, theo nhận định của BOE ngày 29/9.

Kế hoạch này lập tức đẩy giá đồng Bảng Anh rơi xuống mức thấp kỷ lục 1 Bảng đổi 1,0382 USD hôm 26/9, mức thấp nhất trong lịch sử.

Để trấn an thị trường, ngày 28/9, BOE thông báo sẽ mua vào trái phiếu chính phủ dài hạn trong vòng 2 tuần tới với một số lượng đủ để ổn định thị trường tài chính. Thông báo này đã giúp đồng Bảng phục hồi hai phiên liên tiếp, nhưng sự phục hồi này được đánh giá là thiếu bền vững.

“BoE đang thể hiện sự sáng tạo và sự sẵn sàng phản ứng với những biến động mạnh của thị trường”, ông Greg Anderson, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu tại BMO Capital Markets (Mỹ), nhận xét, “Tuy nhiên, sự phục hồi của Bảng Anh nhờ các động thái can thiệp của BOE là không bền vững”.

Theo ông Anderson, bất cứ khi nào một ngân hàng trung ương thực hiện một chương trình can thiệp tạm thời, thị trường chắc chắn sẽ có phản ứng để kiểm tra điều này và xem liệu ngân hàng trung ương có tiếp tục thực hiện hay không. Dù vậy, ông dự báo Bảng Anh sẽ không ngang giá với USD.

Bảng Anh đầu phiên 29/9 giảm nhẹ sau khi Thủ tướng Anh lên tiếng bảo vệ chương trình giảm thuế của Chính phủ, sau đó phục hồi và giao dịch ở mức 1,11 USD đổi 1 Bảng.

Đồng Euro cũng tăng khoảng 0,7% so với USD, giao dịch ở mức 0,98 USD đổi 1 Euro. Tuy nhiên, diễn biến này là do giá trị đồng USD giảm nhẹ so với rổ 6 gồm 6 đồng tiền lớn. Dữ liệu cho thấy tâm lý của nhà đầu tư tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euzo zone) đang giảm sút nghiêm trọng.

Mọi chú ý hiện đang đổ dồn vào lạm phát lên tới 10,9% trong tháng này ở Đức, cao hơn mức dự báo 10%. Điều này cho thấy lạm phát tại khu vực Eurozone, gồm 19 quốc gia, cũng có thể vượt mức dự báo 9,6% và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ phải nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách sắp tới.