18:51 26/03/2018

Nhiều nền kinh tế châu Á sẽ gặp khó khi Trung Quốc tự chủ về công nghệ

An Huy

Việc Trung Quốc ngày càng tiến cao trong chuỗi giá trị đặt ra thách thức cho nhiều nền kinh tế ở châu Á

Trí tuệ nhân tạo là một trong những lĩnh vực mà Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển - Ảnh: Getty.
Trí tuệ nhân tạo là một trong những lĩnh vực mà Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển - Ảnh: Getty.

Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm qua được coi là "mỏ vàng" cho các công ty xuất khẩu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan - các nhà cung cấp linh kiện cao cấp và máy móc cho các nhà máy ở Trung Quốc.

Giờ đây, một mối lo lớn đang xuất hiện đối với các nền kinh tế này, khi Trung Quốc chuyển từ chỗ là khách hàng thành đối thủ cạnh tranh, ngày càng tiến cao hơn trong chuỗi giá trị.

Trung Quốc đi lên trong chuỗi giá trị

Theo hãng tin Bloomberg, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đạt mức kỷ lục 130 tỷ USD, giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có quý thứ 8 phục hồi liên tiếp. Trong vòng 1 thập kỷ, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc tăng 70%. Cùng với đó, xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc cũng đạt mức cao chưa từng có.

Tuy nhiên, việc xem xét kỹ hơn các dữ liệu cho thấy rõ mối lo đối với các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Lấy thiết bị bán dẫn và máy móc dùng để sản xuất con chip làm ví dụ.

Ảnh 1.

Xuất khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sang Trung Quốc qua các năm. Đơn vị: tỷ USD - Nguồn: Bloomberg.

Những năm qua, thiết bị bán dẫn từ các công ty như SK Hynix của Hàn Quốc được xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc, đóng góp một phần quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu của các nền kinh tế ở khu vực Bắc Á. Nhưng cùng với đó, Trung Quốc cũng nhập khẩu mạnh máy móc về kim loại chính xác và thiết bị sản xuất con chip từ những công ty như Yaskawa của Nhật Bản.

Với dự định của Chính phủ Trung Quốc đầu tư tới 31,5 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, thì nhiều khả năng dòng chảy thương mại sẽ sớm có sự dịch chuyển.

Tham vọng của Trung Quốc, như được vạch ra trong kế hoạch Made in China (Sản xuất tại Trung Quốc) 2025, không chỉ nằm ở ngành thiết bị bán dẫn. Bắc Kinh còn muốn đi đầu trong nhiều lĩnh vực, từ y sinh và trí tuệ nhân tạo (AI) cho tới xe chạy điện và hàng không.

Ảnh 2.

Xuất khẩu con chip của Nhật Bản và Hàn Quốc sang Trung Quốc. Đơn vị: tỷ USD - Nguồn: Bloomberg.

Trong bối cảnh như vậy, thách thức mà Nhật Bản, Hàn Quốc phải đối mặt từ sự đi lên của Trung Quốc trong chuỗi giá trị cũng tương tự như thách thức mà các nước xuất khẩu châu Âu như Đức phải đương đầu. Điều này diễn ra giữa lúc rủi ro thương mại toàn cầu gia tăng do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi hàng rào thuế quan nhằm giảm thâm hụt thương mại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ảnh 3.

Xuất khẩu máy sản xuất con chip và xuất khẩu máy kim loại chính xác của Nhật Bản sang Trung Quốc. Đơn vị: tỷ USD - Nguồn: Bloomberg.

"Những mắt xích mà Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức và Mỹ đang chiếm trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng chính là những mắt xích mà Trung Quốc có chiến lược chiếm lĩnh trong một thập kỷ tới", ông Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực châu Á của Bloomberg, nhận định.

Theo ông Orlik, việc Trung Quốc tự sản xuất được nhiều linh kiện điện tử và trở thành một nước xuất khẩu xe hơi chỉ còn là vấn đề thời gian. Và cũng sẽ đến lúc Trung Quốc xuất khẩu máy bay.

Bloomberg nhận định các lĩnh vực mà Trung Quốc đang phát triển mạnh bao gồm xe chạy điện, hệ thống lái tự động, tấm pin năng lượng mặt trời, người máy (robot), công cụ máy, thiết bị y tế, thiết bị cảm ứng điện tử.

Cơ hội và thách thức cho láng giềng

"Nhật Bản đang dẫn đầu về thiết bị cảm ứng, và Trung Quốc có thể phải mất một thời gian mới đuổi kịp. Có thể là 5 năm nữa. Nhưng nước này đang nổi lên", nhà phân tích Nikkie Lu của Bloomberg dự báo.

Tất nhiên, đi lên trong chuỗi giá trị sẽ là một việc không ít thách thức đối với các công ty Trung Quốc. Chẳng hạn, các công ty Trung Quốc còn phải nỗ lực nhiều trong việc xây dựng niềm tin với khác hàng và phát triển các kỹ năng mềm về dịch vụ khách hàng, điều mà Nhật Bản làm rất tốt - theo bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á ở Singapore.

Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng cần đưa ra tiêu chuẩn tương tự về bảo mật khách hàng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì mới có thể thay thế được các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan - bà Elms nhận xét.

Bên cạnh đó, một Trung Quốc thành công và giàu có hơn cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nước láng giềng.

Người Trung Quốc giàu lên đã tạo ra một làn sóng du lịch nước ngoài. Sức mua của du khách Trung Quốc ở Nhật Bản mạnh đến nỗi người Nhật đưa ra một từ mới để miêu tả: "bakugai" hay "mua sắm bùng nổ". Trong năm 2017, hơn 14 triệu du khách Trung Quốc đại lục đã ghé thăm các nền kinh tế láng giềng ở khu vực Bắc Á, cho dù mâu thuẫn Trung-Hàn về lá chắn tên lửa khiến lượng du khách Trung Quốc thăm Hàn Quốc giảm mạnh.

Các hãng hàng không, khách sạn, công ty lữ hành và bán lẻ của Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan đều hưởng lợi từ dòng du khách Trung Quốc. Trong thời gian tới, lượng du khách ghé thăm các quốc gia và vùng lãnh thổ này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.

Ngoài ra, các công ty nước ngoài cũng sẽ hưởng lợi nếu mở nhà máy sản xuất tại Trung Quốc để cắt giảm chi phí và tiếp cận với thị trường tiêu dùng rộng lớn của nước này. Chẳng hạn, công ty sản xuất hàng dệt Toray của Nhật hồi tháng 11 năm ngoái tuyên bố sẽ chi 7 tỷ Yên để mở một nhà máy mới ở Quảng Đông.

Nhưng hướng đi cho những năm tới là rất rõ ràng: Bắc Kinh muốn tiến cao hơn và có nguồn lực để đạt mục tiêu. Điều này đồng nghĩa với thách thức sẽ đến đối với các công ty trong khu vực.

"Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc sẽ tiến nhanh trên chuỗi giá trị", ông Gary Hufbauer, nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, nhận định. "Họ sẽ sản xuất được tất cả mọi thứ mà Hàn Quốc và Nhật giờ đây đang sản xuất, và các công ty Nhật và Hàn sẽ đứng trước thách thức lớn về duy trì ưu thế công nghệ".