14:46 20/10/2008

Nhiều nỗ lực mới “phản công” khủng hoảng tài chính

Mai Phương

Ấn Độ bất ngờ cắt giảm lãi suất, Pakistan tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế để chống lại nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia

Bên ngoài trụ sở của tập đoàn ING tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan - Ảnh: Bloomberg.
Bên ngoài trụ sở của tập đoàn ING tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan - Ảnh: Bloomberg.
Ấn Độ bất ngờ cắt giảm lãi suất, Pakistan tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế để chống lại nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia, Hàn Quốc công bố kế hoạch 130 tỷ USD để hỗ trợ ngành tài chính, Hà Lan bơm vốn vào tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất nước này…

Các biện pháp chống khủng hoảng vẫn được các nước trên thế giới đẩy mạnh.

Ấn Độ bất ngờ hạ lãi suất

Trong một động thái gây bất ngờ, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ hôm nay đã tiến hành cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua nhằm ngăn chặn sự giảm tốc kinh tế, bất chấp lạm phát nước này vẫn đang ở mức cao.

Theo đó, lãi suất cơ bản đồng Rupee đã giảm từ mức 9% xuống còn 8%. Trước đó, vào ngày 11/10, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại từ mức 6,5% xuống còn 2,5%.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ sẽ giảm tốc xuống còn 7,9% trong năm 2008 và 6,9% trong năm 2009, so với mức 9,3% trong năm 2007.

Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 ở khu vực châu Á, với GDP ở mức 1.200 tỷ USD/năm. Theo giới quan sát, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế kéo giá  cả nguyên vật liệu đi xuống, lạm phát của Ấn Độ sẽ xuống thang, bất chấp việc tỷ giá đồng Rupee sụt giảm khiến giá nhập khẩu tăng.

Lạm phát giá bán buôn của Ấn Độ đã giảm nhanh hơn dự kiến, còn 11,44% trong tuần kết thúc ngày 4/10 vừa qua, thấp nhất trong vòng 4 tháng.

Như vậy, tính tới thời điểm này, trong số 4 nền kinh tế đang nổi lên chính là Brazil, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, đã có 2 nước là Ấn Độ và Trung Quốc tiến hành hạ lãi suất để chặn khủng hoảng. Hai quốc gia còn lại mới chỉ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc vì còn lo ngại áp lực lạm phát.

Hàn Quốc với kế hoạch 130 tỷ USD

Trị giá 130 tỷ USD, gói hỗ trợ ngành tài chính của Hàn Quốc là kế hoạch giải cứu có quy mô lớn nhất ở châu Á tính tới thời điểm này.

Ngày 19/10, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch giải cứu nói trên. Theo đó, Chính phủ nước này sẽ dành 100 tỷ USD cho việc bảo đảm các khoản vay giữa các ngân hàng và chi 30 tỷ USD để bơm tiền vào hệ thống tài chính nhằm tăng cường tính thanh khoản. Giá trị gói giải cứu này tương đương với 13% GDP của Hàn Quốc.

Trước đó, vào ngày 17/10, các nhà chức trách Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bàn về các giải pháp vực dậy thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán nước này.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chỉ số chứng khoán của Hàn Quốc đã ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua trong khi đồng Won đã giảm xuống thấp nhất kể từ thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra năm 1997 - 1998.

Đồng Won của Hàn Quốc từ đầu năm tới nay đã mất giá 37% so với USD, trở thành đồng tiền mất giá nặng nhất ở châu Á. Theo các nhà phân tích, nợ ngắn hạn của Hàn Quốc hiện tương đương với mức 76% dự trữ ngoại hối của nước này, đưa Hàn Quốc vào thế rủi ro nhất ở châu Á trong khủng hoảng tài chính.

Cuối tuần trước, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s trước đó đã cảnh báo nguy cơ các ngân hàng Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ thị trường bên ngoài.

Sau khi kế hoạch trên được công bố, giá trị đồng Won và thị trường chứng khoán Hàn Quốc cùng phục hồi đáng kể trong phiên giao dịch sáng nay 20/10.

Hà Lan bơm tiền vào ING

Ở một diễn biến khác, Chính phủ Hà Lan hôm nay tuyên bố, tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất nước này là ING Groep NV sẽ nhận được gói giải cứu trị giá 10 tỷ Euro, tương đương với 13,4 tỷ USD.

ING nhận được sự cứu trợ của Chính phủ giữa lúc những khoản thua lỗ chồng chất trên thị trường tín dụng của tập đoàn này đẩy giá cổ phiếu của tập đoàn xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm. Hôm 17/10, cổ phiếu của ING mất giá với tốc độ kỷ lục 27% sau khi tập đoàn dự báo khoản thua lỗ 500 triệu Euro trong quý 3.

Theo kế hoạch trên, Chính phủ Hà Lan sẽ mua lại cổ phiếu ưu đãi không có quyền bỏ phiếu của ING và bổ nhiệm hai đại diện vào ban lãnh đạo của tập đoàn này.

Nguy cơ vỡ nợ của Pakistan

Tại châu Á, một diễn biến khác đáng chú ý trong ngày hôm nay là việc Chính phủ Pakistan kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay tiền để tránh nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia.

Với lạm phát tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 năm qua, thâm hụt cán cân vãng lai trong thời gian 12 tháng kết thúc vào cuối tháng 6 vừa qua lên tới mức kỷ lục 14 tỷ USD, đồng nội tệ Rupee mất giá mạnh, Pakistan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Hiện dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 4,3 tỷ USD. Trong khi đó, năm tới, Pakistan phải thanh toán số nợ lên tới 3 tỷ USD. Theo các chuyên gia, có thể IMF phải cần tới số tiền vay lên tới 4,5 tỷ USD để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Lần gần đây nhất Pakistan phải nhờ tới sự cứu trợ của IMF là vào 12/2004 vừa qua.

Bên cạnh việc kêu gọi khoản vay từ IMF, Pakistan còn đang tìm kiếm các khoản vay 1,5 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới (WB), 1,6 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 500 triệu Bảng (tương đương 864 triệu USD) từ ngân hàng DFID của Anh, và 500 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Hồi giáo.

Các nước châu Á khác vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực chống khủng hoảng. Cuối tuần trước, Singapore và Malaysia tuyên bố sẽ bảo đảm cho tất cả tài khoản tiền gửi của người dân trong ngân hàng - giải pháp tương tự như nhiều nước châu Âu và nền kinh tế láng giềng khác trong khu vực như Hồng Kông, Indonesia, Australia và New Zealand đã áp dụng trước đó.

Cũng trong dịp cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Mỹ George W. Bush, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Barroso có cuộc họp tại Trại David, nơi nghỉ ngơi của Tổng Thống Mỹ ở phía Bắc thủ đô Washington.

Kết thúc cuộc họp này, ba nhà lãnh đạo trên đã thống nhất sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo khác của thế giới tham gia vào một loạt các cuộc hội nghị thượng đỉnh để bàn giải pháp khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Theo dự kiến, hội nghị đầu tiên sẽ diễn ra ở Mỹ không lâu sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra ngày 4/11.

(Theo Bloomberg, Reuters, AP)