14:45 15/10/2008

“Phản công” khủng hoảng: Những nỗ lực mới và tác dụng

Kiều Oanh

Các nỗ lực phối hợp hành động chống khủng hoảng tài chính của các nền kinh tế đã bắt đầu phát huy tác dụng tích cực

Cuối ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã công bố một kế hoạch lớn để giải quyết tình trạng thắt chặt tín dụng đối các ngân hàng và doanh nghiệp nước này.
Cuối ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã công bố một kế hoạch lớn để giải quyết tình trạng thắt chặt tín dụng đối các ngân hàng và doanh nghiệp nước này.
Nhật Bản vừa tuyên bố sẽ bơm tiền không hạn định vào thị trường tài chính để đối phó khủng hoảng. Hồng Kông cam kết bảo vệ tài khoản tiền gửi của người dân, Australia cũng cho biết có thể bổ sung thêm tiền vào kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói công bố ngày hôm qua.

Các nền kinh tế từ Âu, Á tới Mỹ vẫn không ngừng đẩy mạnh các nỗ lực nhằm “phản công” lại cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ này.

Các nỗ lực mới của châu Á

Cuối ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã công bố một kế hoạch lớn để giải quyết tình trạng thắt chặt tín dụng đối các ngân hàng và doanh nghiệp nước này. Theo đó, BoJ sẽ bơm vốn bằng đồng USD không hạn định vào thị trường và đổi lấy nhiều loại tài sản thế chấp khác nhau.

Ngoài ra, BoJ cũng có các biện pháp tăng cường khả năng của các công ty trong việc tiếp cận nguồn tiền mặt, mở rộng các loại trái phiếu Chính phủ Nhật mà BoJ mua vào, cũng như ngừng lại một chương trình bán ra các loại cổ phiếu mà BoJ đã mua từ các ngân hàng trong thời kỳ 2002 - 2004.

Trước đó, trong ngày hôm qua, Chính phủ Australia công bố một kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói trị giá 10,4 tỷ Đô la Australia, tương đương 7,2 tỷ USD. Hôm nay, Chính phủ nước này tuyên bố có thể sẽ tăng thêm lượng tiền cho kế hoạch kích thích kinh tế này.

Sáng nay, Nhật Bản và Australia đã bơm tổng số tiền 9,1 USD vào hệ thống tài chính. Trước đó, trong ngày hôm qua, hai nước này đã bơm vào thị trường số tiền lên tới 12,9 tỷ USD.

Cũng trong sáng nay, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông cũng tuyên bố sẽ sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo đảm cho tất cả tài khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân trong các ngân hàng ở vùng lãnh thổ này.

Nhìn lại các nỗ lực phối hợp

Các động thái trên của Nhật Bản, Hồng Kông và Australia được coi là hành động phối hợp với các quốc gia khác trên thế giới trong cuộc “tổng phản công” khủng hoảng.

Vào ngày 12/10, các nước sử dụng đồng tiền chung Euro ở châu Âu đã đạt được một kế hoạch giải cứu tập thể. Tới thời điểm này, các nước này đã tuyên bố sẽ sử dụng tổng số tiền lên tới 1.300 tỷ Euro (tương đương 1.800 tỷ USD) để hỗ trợ các ngân hàng. Trong đó, kế hoạch của Đức là chi 500 tỷ Euro, Pháp sẽ chi 360 tỷ Euro, Tây Ban Nha chi 100 tỷ Euro, Hà Lan chi 200 tỷ Euro, Áo chi 85 tỷ Euro…

Trong ngày 13/10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng tuyên bố xóa bỏ mức trần đối với các thỏa thuận hoán đổi ngoại tệ với các ngân hàng trung ương Anh, châu Âu, Thụy Sỹ, giúp các ngân hàng này có thể bơm USD với khối lượng không hạn chế vào hệ thống tài chính.

Hành động riêng lẻ với Eurozone vì không sử dụng đồng Euro, chính phủ Anh cũng tiến hành mua lại cổ phần lớn trong các ngân hàng hàng đầu của nước này là Bank of Scotland và HBOS như một phần trong kế hoạch giải cứu ngành tài chính trị giá 50 tỷ Bảng của nước này.

Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD của nước Mỹ đã bắt đầu “rục rịch” khởi động. Trong khoản 250 tỷ USD ở giai đoạn đầu của kế hoạch, Bộ Tài chính Mỹ  dự kiến sẽ chi 125 tỷ USD để mua lại cổ phần trong 9 ngân hàng lớn của nước này, bao gồm Citigroup, Goldman Sachs, Wells Fargo, JPMorgan Chase, Bank of America, Merrill Lynch, Morgan Stanley, State Street và Bank of New York Mellon.

Tuần trước, trong một nỗ lực chưa có tiền lệ, Chủ tịch FED Ben Bernanke đã tổ chức một đợt phối hợp cắt giảm lãi suất lớn nhằm hạ nhiệt lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

Các “liều thuốc” giải cứu phát huy tác dụng

Tới thời điểm này, các nỗ lực giải cứu trên đã phần nào phát huy tác dụng. Màu xanh đã trở lại với các bảng điện tử trên các sàn giao dịch chứng khoán khắp thế giới. Cùng với đó, giá vàng không còn tăng như vũ bão nữa.

Quan trọng hơn, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng toàn cầu cũng bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Vào ngày 13/10, lãi suất USD liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng tại London, tức lãi suất Libor mất 0,07 % xuống còn 4,76%, lần đầu tiên giảm xuống sau một chuỗi ngày tăng liên tục. Theo Hiệp hội Các nhà ngân hàng Anh, hôm qua, lãi suất Libor tiếp tục có mức giảm mạnh nhất trong một ngày từ tháng 3 tới nay, giảm thêm 0,12% nữa, xuống còn 4,64%.

Đầu giờ chiều nay tại Tokyo, lãi suất cho vay qua đêm đã giảm 0,1%, còn 0,3%. Đây đã là ngày thứ 3, lãi suất qua đêm tại Tokyo giảm xuống dưới mức mục tiêu của BoJ. Sự điều chỉnh giảm của lãi suất trên thị trường tiền tệ này cho phép BoJ hút 2.800 tỷ Yên, tương đương 27,6 tỷ USD, ra khỏi hệ thống tài chính trong ngày hôm nay. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 26/9 tới nay, BoJ tiến hành hút bớt tiền khỏi thị trường.

Lãi suất USD liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng tại thị trường Hồng Kông, tức lãi suất Hibor, hôm nay cũng giảm 0,09%, xuống còn 4,34%, thấp nhất trong vòng 1 tuần trở lại đây.

Cuối buổi sáng nay tại Singapore, lãi suất USD liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng tại thị trường này cũng giảm 0,13%, xuống còn 4,66%, đánh dấu ngày giảm đầu tiên trong vòng 1 tuần qua.

“Điều mà cách đây chưa lâu ai cũng mong đợi là phản ứng phối hợp chính sách của các ngân hàng trung ương. Và chúng ta đã có được điều này. “Băng” đã bắt đầu tan trên thị trường tín dụng”, chiến lược gia tiền tệ Patrick Bennett của ngân hàng Societe Generale tại Hồng Kông nhận xét.

(Theo Bloomberg, Reuters, AP)