Nhiều sáng kiến vì cộng đồng được ứng dụng ngay vào thực tiến
100% các sáng kiến vì cộng đồng đoạt giải đều là những sáng kiến đang được ứng dụng thử nghiệm bước đầu cho những kết quả khả quan, hoặc đã được đưa vào ứng dụng vận hành hiệu quả trong thực tiễn...
Chiều 28/11, Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tạp chí Cộng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo "Sáng kiến vì cộng đồng: Nhân rộng và kết nối".
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho biết Cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ IV được khởi động từ tháng 12/2020. Trong quá trình triển khai hoạt động tìm kiếm, kết nối, tiếp nhận hồ sơ, Ban tổ chức và phía các tổ chức, cá nhân tham gia bình chọn đã gặp không ít khó khăn do những tác động khách quan từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có gần 400 hồ sơ sáng kiến hợp quy chuẩn được gửi về Ban tổ chức đăng ký tham gia chương trình bình chọn.
Căn cứ vào thể lệ và 7 tiêu chí chấm điểm do Ban tổ chức đề ra (tính phát triển; đối tượng tác động và kết quả mong đợi; tính sáng tạo; tính khá thi; tính bền vững và khả năng nhân rộng; hiệu quả chi phí; năng lực của đơn vị triển khai), qua hai vòng thẩm định của Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo, đã có 165 sáng kiến được bình xét vòng sơ khảo, 40/165 sáng kiến được xét duyệt tham gia chấm chung khảo.
Kết quả, Ban tổ chức đã lựa chọn được 22 hồ sơ sáng kiến để tiến hành biểu dương, bao gồm: 2 giải A; 4 giải B; 6 giải C; 10 giải Khuyến khích.
Theo Ban tổ chức, về cơ bản các sáng kiến đoạt giải đều thỏa mãn các yêu cầu về quy chế hồ sơ đăng ký tham dự, được phân tách thành 2 hệ thống sáng kiến là sáng kiến về khoa học kỹ thuật và sáng kiến về tác nghiệp quản lý.
Dù ở hệ thống nào, mỗi sáng kiến đều xuất phát từ những vấn đề thực tiễn trong lao động sản xuất, trong xây dựng và phát triển kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội của đất nước, đưa ra những giải pháp thông minh giúp giải quyết các vấn đề tổn tại. Nhiều sáng kiến đi từ ứng dụng thực tiễn thành công tại địa phương, đơn vị hoàn toàn có thể được nhân rộng, lan tỏa trên phạm vi trong ngành, thậm chí cả nước.
Về điểm chung so với các kỳ tổ chức trước, các sáng kiến tham gia bình chọn năm nay tiếp tục có sự trải rộng, đa dạng về lĩnh vực như giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải, khoa học kỹ thuật và công nghệ, du lịch, xóa đói giảm nghèo, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới…
Trong đó, sức “nóng” ở lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ, của cộng đồng như khoa học kỹ thuật và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, vấn đề an toàn giao thông tiếp tục thu hút được sự chung tay đóng góp nhiều sáng kiến của các tổ chức, cá nhân.
Nếu như ở những cuộc thi trước đây, sáng kiến đoạt giải có thể bao gồm cả những sáng kiến mang tính đề xuất khả thi thì ở cuộc thi lần này, 100% các sáng kiến đoạt giải đều là những sáng kiến đang được ứng dụng thử nghiệm bước đầu cho những kết quả khả quan, hoặc đã được đưa vào ứng dụng vận hành hiệu quả trong thực tiễn.
Trong đó, có những sáng kiến đã góp phần tạo ra những bước chuyển mang tính đột phá vừa làm lợi cho tổ chức tập thể, vừa giúp giải quyết vấn đề xã hội đang bức bách. Đồng thời góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa, tinh thần tương thân tương ái, kiến tạo lối sống xanh vì môi trường trong cộng đồng.
Chẳng hạn như các sáng kiến Hệ sinh thái Nuôi em của tác giả Hoàng Hoa Trung - Trung tâm Tình nguyện quốc gia; Xây dựng mạng xã hội thiện nguyện Việt Nam của tác giả Vũ Thành Trung – Ngân hàng TMCP Quân đội.
Sáng kiến Xây dựng hệ thống tra cứu chỉ số công tơ và chủ động cảnh báo sản lượng điện bất thường của tác giả Nguyễn Thảo Nguyên - Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng; Phát triển hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng (Đội hỗ trợ sơ cứu Fast Ange) của tác giả Phạm Quốc Việt – Hà Nội.
Sáng kiến Mỳ tôm xanh – Hồi sinh trong ánh sáng của tác giả Vũ Thị Thảo – giáo viên Trường Trung học Vinschool Timescity, Hà Nội; Mắt kính thông minh cho người khiếm thị của nhóm tác giả Trịnh Quốc Huy, Đào Anh Hào, Phạm Huy – Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. HCM.
Đặc biệt, một số sáng kiến trong lĩnh vực y tế như: Sáng kiến Khẩu trang kháng khuẩn nhiều lớp và sáng kiến Lọc máu thay huyết tương ở bệnh nhân bị Covid-19 nặng và nguy kịch và xây dựng quy trình lọc máu thay huyết tương nhằm cải thiện hiệu quả điều trị và làm giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
Hai công trình sàng kiến của GS.TSKH- BS Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng khi đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đã đem lại hiệu quả thiết thực trong giai đoạn cấp thiết, cam go cả nước cùng chung tay “chống dịch như chống giặc”.
Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV và phát động Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ V sẽ được tổ chức vào ngày 29/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.