15:47 16/05/2025

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm đưa hối lộ hơn 71 tỷ đồng

Đỗ Mến

Quá trình Công ty Sơn Lâm cung cấp thuốc vào một số bệnh viện, trung tâm y tế, theo yêu cầu của các các nhân có thẩm quyền, ông Cách đã đưa hối lộ để không bị gây khó khăn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ xảy ra tại Công ty cổ phần Y dược LanQ và các đơn vị liên quan.

Trong đó, ông Phạm Văn Cách, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược Sơn Lâm đưa hối lộ hơn 71 tỷ đồng và cấu kết cùng bị can Nguyễn Mạnh Quyền, Tổng Giám đốc Công ty LanQ lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả.

NHIỀU LẦN TRỰC TIẾP VÀ GIÁN TIẾP ĐƯA HỐI LỘ

Theo Kết luận điều tra, quá trình Công ty Sơn Lâm cung cấp thuốc vào một số bệnh viện, trung tâm y tế, theo yêu cầu của các các nhân có thẩm quyền, ông Cách đã đưa hối lộ để không bị gây khó khăn.

Tại Viện Y Dược học TP.HCM, từ năm 2017-2023, Công ty Sơn Lâm đã trúng thầu, ký kết thực hiện 10 hợp đồng cung cấp dược liệu cho Viện này để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổng giá trị hơn 232 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện, từ năm 2018-2023, ông Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng yêu cầu ông Cách phải chi tiền “hoa hồng” từ 20-25% hóa đơn cho ông Lộc hoặc bị can Phạm Văn Chuân, nhân viên của Viện, người được ông Lộc tin tưởng. Thời điểm đưa tiền thường là sau khi Công ty Sơn Lâm được thanh toán tiền mua dược liệu hoặc khi ông Lộc cần tiền gấp.

Để không bị gây khó khăn, ông Cách đồng ý, nhiều lần đưa tiền trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên, người thân đưa tiền. Tổng cộng ông Lộc nhận hơn 47,1 tỷ đồng.

Trong đó, ông Lộc có một lần trực tiếp nhận 500 triệu đồng từ ông Cách ở Hà Nội. Ngoài ra, ông Lộc còn chỉ đạo ông Chuân sử dụng tài khoản ngân hàng nhận 34 lần với tổng số tiền hơn 26,8 tỷ đồng từ người thân (bao gồm con dâu, cháu, vợ) và nhân viên của ông Cách.

Cũng theo chỉ đạo của ông Lộc, ông Chuân còn nhận 12 lần số tiền 4,7 tỷ đồng từ nhân viên Công ty Sơn Lâm tại cổng Viện hoặc đến nhận trực tiếp tại ngân hàng nơi nhân viên rút tiền. Ông Chuân nhận 2 lần tiền tổng số 600 triệu đồng tại phòng làm việc của mình từ một nhân viên khác của Công ty Sơn Lâm.

Có 3 lần con trai ông Cách mang tiền đưa cho ông Chuân, tổng số 4,5 tỷ đồng. Bản thân ông Cách có 10 lần đưa tiền cho ông Chuân, tổng số 10 tỷ đồng. Sau mỗi lần nhận tiền, ông Chuân đưa lại cho ông Lộc tại phòng làm việc hoặc theo chỉ đạo của ông Lộc.

Năm 2021, ông Lộc đã nộp hơn 40 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của Hội Đông y TP.HCM ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, ông Lộc khai có 37 tỷ đồng nằm trong số tiền ông Lộc nhận từ ông Cách. Nhưng kết quả điều tra không có cơ sở xác định nội dung này.

Quá trình điều tra, Hội Đông y TP.HCM cho biết số tiền ông Lộc nộp còn dư hơn 14 tỷ đồng. Hội đã chủ động nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả cho hành vi của ông Lộc.

Sau khi ông Cách bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Lộc đưa 9 tỷ đồng cho Phạm Văn Chuân nộp vào tài khoản của con dâu ông Cách. Trong đó, có 2 tỷ đồng trả nợ và 7 tỷ đồng trả lại một phần tiền chi phí hoa hồng đã nhận. Số tiền 7 tỷ đồng này là tiền liên quan hành vi phạm tội, Cơ quan An ninh điều tra cho rằng cần được xem xét, xử lý trong vụ án.

Ngoài ra, tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên, từ năm 2014-2019, Công ty Sơn Lâm trúng 6 hợp đồng với giá trị hơn 21,4 tỷ đồng. Theo kết luận, ông Cách đưa tiền cho bà Quách Thị Lịch (Trưởng phòng Tài chính kế toán) hơn 507 triệu đồng...

Tại Thái Nguyên, ông Cách đưa 10 tỷ đồng cho bà Trương Thị Thu Hương, giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên nhằm đảm bảo lợi ích của Công ty Sơn Lâm trong việc cung cấp thuốc vào bệnh viện này.

Cơ quan An ninh điều tra xác định ông Cách có hành vi thỏa thuận, đưa hối lộ hơn 71 tỷ đồng.

Trong vụ án này, ông Cách bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hối lộ. Có 17 người bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ gồm ông Huỳnh Nguyễn Lộc, Trương Thị Thu Hương, Quách Thị Lịch…

KIẾN NGHỊ RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH ĐẤU THẦU DƯỢC LIỆU

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho rằng đây là vụ án tham nhũng trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.

Quá trình điều tra còn làm rõ một số cá nhân có thẩm quyền thuộc nhiều bệnh viện, trung tâm y tế đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng mua sắm vị thuốc cổ truyền, dược liệu phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để trục lợi, nhận tiền của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế, y học dân tộc và bảo hiểm xã hội.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có văn bản kiến nghị Bộ Y tế rà soát các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác đấu thầu vị thuốc cổ truyền, dược liệu để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức đấu thầu đúng quy định, đảm bảo công bằng, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng nâng giá thuốc, trục lợi

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với các cơ sở y tế về công tác kiểm soát chất lượng thuốc đầu vào, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân.