06:37 17/05/2007

Nhìn lại 10 năm Internet Việt Nam

Thanh Hà

Mật độ người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt 18,64 người/100 dân, cao hơn bình quân khu vực ASEAN và thế giới

Sự phát triển của thị trường Internet cũng đánh dấu bước chuyển đổi từ độc quyền sang cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam - Ảnh: VT.
Sự phát triển của thị trường Internet cũng đánh dấu bước chuyển đổi từ độc quyền sang cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam - Ảnh: VT.
Tại Hà Nội ngày 16/5, Hội nghị Quốc gia về phát triển Internet đã được Bộ Bưu chính Viễn thông tổ chức với mục đích điểm lại những gì đã làm được trong 10 năm.

Hội nghị cũng đưa ra kế hoạch phát triển của Internet Việt Nam trong thời gian tới cũng như các vấn đề liên quan đến quản lý Internet.

Internet Việt Nam đã phát triển từ con số 0 vào năm 1997 và khi đó, để ra đời được dịch vụ này, theo một lãnh đạo Bộ Bưu chính viễn thông khi đó, là cả một sự mạnh dạn của những người đứng đầu đất nước. Vì vào thời điểm ấy, vẫn còn khá ít người biết đến Internet và trong con mắt của nhiều người, Internet vẫn là nguyên nhân gây ra những mối nguy hại về đạo đức, đặc biệt là sự tác động xấu đến lối sống của giới trẻ Việt Nam.

Chính vì vậy mà khi đó, phương châm được đề ra là: quản lý được đến đâu, mở tới đó. Chỉ khi đã phát triển hơn một chút, trước đòi hỏi phát triển của xã hội, phương châm này mới được thay đổi, chuyển từ: quản lý phải theo được nhu cầu.

Nhìn vào sự phát triển của Internet, người ta có thể dễ dàng nhận ra sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam. Với tốc độ phát triển từ 35-37%/năm liên tục trong nhiều năm, tỷ lệ người sử dụng Internet Việt Nam đã vượt qua mức trung bình của thế giới là 16,9%.

Theo thống kê của Bộ Bưu chính Viễn thông, đến nay, cả nước đã có 4,3 triệu thuê bao Internet quy đổi, đáp ứng nhu cầu của 15,5 triệu dân, đạt mật độ 18,64 người/100 dân, cao hơn bình quân khu vực ASEAN và thế giới; vượt xa Thái Lan (12,65%), Trung Quốc (9,41%), Philippines (9,12%)...

Bên cạnh số lượng thuê bao, dung lượng Internet hiện nay cũng đã tăng đáng kể. Việt Nam hiện đã có tổng số 3 cổng kết nối Internet đi quốc tế, đi 10 quốc gia với băng thông là 7,2G.

Sự phát triển của thị trường Internet cũng đánh dấu bước chuyển đổi từ độc quyền sang cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam. Từ duy nhất nhà cung cấp dịch vụ ban đầu là VNPT, thị trường Internet Việt Nam đã chuyển sang cạnh tranh thực sự với nhiều nhà cung cấp tên tuổi trong đó có FPT và Viettel. Thêm vào đó, EVN với thế mạnh mạng lưới rộng lớn cũng hứa hẹn trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng kể trong tương lai.

Về giá cước, Internet Việt Nam cũng đã có bước đột phá đáng kể. Ngay từ năm 2004, giá cước Internet truy nhập gián tiếp đã được xếp vào hạng thấp nhất khu vực với 40 đồng/phút cộng với cước thoại 40 đồng/phút. Ngay cả cước ADSL cũng đang ở mức thấp so với khu vực. Gói cước trung bình của ADSL hiện đang ở mức từ 200.000-320.000 đồng, giảm tới 3-4 lần so với khi nó ra đời vào năm 2003.

Cho đến nay, Internet đã trở nên quen thuộc tại các thành phố lớn, thị trấn, thị xã. Thậm chí tại một số vùng quê, nhiều gia đình nông dân đã biết sử dụng Internet để lấy thông tin về khoa học nông nghiệp, giá cả nông sản... phục vụ cho công việc của mình.

Cụ thể, Internet cũng đã được kết nối tới tất cả các bộ, ngành, chính quyền địa phương cấp tỉnh và huyện; 100% cơ quan Đảng cấp tỉnh và 90% cơ quan Đảng cấp huyện đã kết nối Internet; 100% trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học đã kết nối Internet.

Trong lĩnh vực y tế, đã có 100% các viện nghiên cứu, bệnh viện trung ương và 90% bệnh viện tỉnh kết nối Internet. Mặt khác, một trong những điểm mạnh và cũng là thành công của Việt Nam trong việc đưa Internet về nông thôn là đã có hơn 2.500 điểm Bưu điện văn hóa xã kết nối Internet.

Đã đạt được tốc độ bứt phá trong thời gian qua nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, Internet sẽ vẫn tiếp tục đạt được tốc độ phát triển trên 100% mỗi năm trong thời gian tới. Tất nhiên, sự phát triển Internet sắp tới sẽ chủ yếu là Internet băng rộng và những công nghệ mới như Wimax. Hiện nay, Internet băng rộng đã trở nên phổ biến tại các thành phố lớn và đang là một trong những dịch vụ cạnh tranh khốc liệt của các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của dịch vụ này cũng đi liền với những báo động về chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

Theo Quy hoạch Phát triển Internet đến năm 2010, Internet và viễn thông sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế xã hội. Mục tiêu đến năm 2010, Internet và viễn thông sẽ đóng góp khoảng 55.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Quy hoạch đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ người sử dụng Internet lên 25-30% trong đó có tới 30% là thuê bao băng rộng.

Các điểm truy cập Internet công cộng cũng được phủ tới tất cả các huyện và hầu hết các xã trong vùng kinh tế trọng điểm và 70% số xã trong cả nước. Đặc biệt, sẽ có 100% các viện nghiên cứu, trường học từ đại học đến trung học phổ thông, 90% trung học cơ sở và bệnh viện được kết nối Internet.

Nhận định về tương lai của Internet Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá nói, chúng ta đang có khí thế mới trong việc triển khai Internet. Bài học 10 năm tạo thành "cơn lốc” Internet Việt Nam trong giai đoạn 2007-2010 và các năm tiếp theo.

“Tôi hy vọng "cơn lốc" này sẽ làm cho các chỉ tiêu về Internet mà Bộ Bưu chính Viễn thông đề ra trở thành các con số dự báo khá thấp và đến năm 2020, mức độ sử dụng Internet của Việt Nam sẽ đạt trình độ của các nước phát triển", ông Đỗ Trung Tá nhấn mạnh.