Nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển Việt Nam
Việt Nam yêu cầu các bên liên quan không tái diễn sự vi phạm
Ngày 25/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng về việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc rút khỏi vùng biển của Việt Nam.
"Liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng. Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam", bà Hằng cho biết.
"Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Trước đó, một số hãng truyền thông quốc tế dẫn dữ liệu từ Marine Traffic cho biết tàu Hải Dương 8 đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam vào ngày 24/10 với sự hộ tống của ít nhất 2 tàu khác.
Trong cuộc họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 3/10, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam của tàu Hải Dương 8 là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Bà cho biết Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với Trung Quốc.
Kể từ đầu tháng 7, các tàu của Trung Quốc đã tiến hành thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với sự hộ tống của lực lượng tuần duyên có vũ trang và cảnh sát biển. Hôm 18/9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thậm chí tuyên bố Bãi Tư Chính thuộc lãnh thổ của Bắc Kinh và tiếp tục các hoạt động dầu khí tại đây.
Trước động thái này, bà Hằng khẳng định lại lập trường của Việt Nam như trong tuyên bố đưa ra hôm 12/9.
"Khu vực mà Trung Quốc gọi là 'bãi Vạn An' thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982", bà Hằng nói. "Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này".