15:10 20/05/2018

Những chiếc ghế trống tại Quốc hội

Nguyên Thảo

Sáng 21/5, Quốc hội khoá 14 khai mạc kỳ họp thứ 5, một kỳ họp có thêm bốn chiếc ghế trống của bốn vị mất quyền đại biểu

Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá 14.
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá 14.

Người thì xin thôi làm nhiệm vụ sau khi bị cách tất cả các chức vụ và bị cử tri phản ứng mạnh, người thì đương nhiên mất quyền đại biểu vì dính vòng lao lý...

Sáng 21/5, Quốc hội khoá 14 khai mạc kỳ họp thứ 5, một kỳ họp có thêm bốn chiếc ghế trống của bốn vị mất quyền đại biểu, tương đương với bốn phiếu biểu quyết của bốn đơn vị bầu cử.

Nhà Quốc hội mới rất rộng, phòng Diên Hồng nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội cũng rất nhiều ghế, nhưng chỉ có 500 vị trí được đánh số, được gắn thẻ điểm danh, được bấm nút bày tỏ chính kiến...

Là bởi, những người gắn với các số ghế đó được cử tri trao quyền đại diện, vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập Hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nói lên tiếng nói của cử tri ở những đơn vị bầu cử mà họ được bầu lên. 

Nghĩa là, vai trò của họ vô cùng quan trọng, trách nhiệm đương nhiên cũng rất lớn lao.

Nhưng, tất nhiên, họ cũng có thể gặp phải tất cả các vấn đề của một người bình thường, từ sức khoẻ, thay đổi công việc cho đến những vấn đề gia đình, tình cảm cá nhân...

Và vì thế, họ được luật trao quyền xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu khi tự thấy bản thân mình không thể thực hiện nhiệm vụ vì lý do sức khoẻ hoặc nhận nhiệm vụ khác mà không thể thường xuyên làm nhiệm vụ đại biểu. Pháp luật cũng quy định đối với trường hợp đại biểu bị bãi nhiệm khi không còn đủ tư cách làm người đại diện cho cử tri.

Do đó, những chiếc ghế trống chẳng phải chuyện quá xa lạ, với nghị trường.

Nhưng, với Quốc hội đương nhiệm, thì khoảng trống từ những chiếc ghế gợi nhiều chuyện đáng suy nghĩ.

Được bầu 500 nhưng chỉ có 496 vị trúng cử, thiếu 4 vị.

Hai vị trúng cử nhưng không được xác nhận tư cách đại biểu là Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Như vậy đại biểu Quốc hội khoá 14 chính thức là 494 vị tại kỳ họp thứ nhất.

Cho đến nay, Quốc hội khuyết 7 ghế vì những lý do khác nhau, cử tri ở các đơn vị bầu cử thiếu 7 vị đại biểu đã bầu để đại diện cho mình.

Hai vị qua đời năm 2016 là ông Ngô Văn Minh và hoà thượng Thích Chơn Thiện.

Tháng 5/2017 ông Võ Kim Cự được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ vì "đã bị thi hành kỷ luật và đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ".

Tháng 4/2018 ông Ngô Đức Mạnh được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xét cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu để làm Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga.

Ngày 14/5, chỉ trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 5 một tuần, thông báo về nhân sự tại phiên họp 24 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết rằng, Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. 

Trước đó, kết luận của Ban Bí thư đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với Bà Thanh.

Cùng bản thông báo về nhân sự đó cho biết, hai ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa 14 tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa 14 tỉnh Quảng Nam đương nhiên mất quyền đại biểu kể từ khi bị toà tuyên có tội.

Như vậy, chỉ sau có nửa nhiệm kỳ, Quốc hội đã có tới 7 chiếc ghế trống. Chưa kể, có vị chưa xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu nhưng cũng đã liên tiếp mấy kỳ họp không xuất hiện tại phòng họp Diên Hồng.

Tại cuộc họp báo trước thềm khai mạc kỳ họp thứ 5 này, câu hỏi đầu tiên từ phóng viên là tại sao bà Thanh bị kỷ luật, bị cử tri phản ứng dữ dội mà không đưa ra Quốc hội bãi nhiệm? 

Về hình thức bên ngoài, trường hợp cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu của bà Thanh có vẻ không khác mấy so với việc đại biểu Ngô Đức Mạnh được cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu để nhận nhiệm vụ mới.

Phóng viên khác đặt vấn đề rằng những vi phạm của một số vị kể trên đều diễn ra trước khi họ được giới thiệu ứng cử làm đại biểu, vậy quá trình giới thiệu, hiệp thương thế nào? "Cần rút kinh nghiệm sâu sắc" là thông điệp trả lời của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Cử tri của 6 đơn vị bầu cử mất đi 7 người đại diện cho tiếng nói của họ và số dân của khoảng trên 10 triệu dân ở các đơn vị bầu cử đó. Quyết định của Quốc hội vắng thêm 7 phiếu đại diện. Điều đáng nói là quyền của Quốc hội và của cử tri trong bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải minh thị rành rọt với những trường hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu.