15:59 01/03/2014

Những khoản vay giá rẻ mới chiếm tỷ trọng vô cùng nhỏ

Nguyễn An Thơ

Tình hình hoạt động tín dụng những ngày đầu năm 2014 chưa có sự khởi sắc đáng kể nào

Theo cập nhật tình hình thị trường từ Ngân hàng Nhà nước, hiện rất nhiều
 ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh vốn ra thị trường với lãi suất “phá 
giá” chỉ còn 5%/năm, với quy mô các gói vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng ở
 từng đơn vị.
Theo cập nhật tình hình thị trường từ Ngân hàng Nhà nước, hiện rất nhiều ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh vốn ra thị trường với lãi suất “phá giá” chỉ còn 5%/năm, với quy mô các gói vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng ở từng đơn vị.
Không ít ngân hàng dư thừa thanh khoản, buộc phải hạ lãi suất cho vay. Nhưng có bao nhiêu khoản vay có được giá rẻ như vậy?

Và sâu xa hơn, các ngân hàng phải làm gì để thay đổi thói quen trong quan hệ vay mượn khi đã lâm vào bế tắc tín dụng như hiện nay?

Màu hồng và thực tế


Theo cập nhật tình hình thị trường từ Ngân hàng Nhà nước, hiện rất nhiều ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh vốn ra thị trường với lãi suất “phá giá” chỉ còn 5%/năm, với quy mô các gói vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng ở từng đơn vị.

Chẳng hạn, từ nay đến hết 31/5, TPBank triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho vay vốn lưu động với lãi suất 8%/năm với VND và 3,8%/năm với USD và có thể vay tới 90% giá trị hợp đồng.

Vietcombank cũng cam kết cho vay với mức 5% - 5,8%/năm với điều kiện doanh nghiệp mở tài khoản và bán ngoại tệ lại cho ngân hàng.

Một “đại gia” khác là BIDV cũng triển khai nhiều gói vốn giá rẻ, trong đó, từ 24/2 - 31/8, dành 5.000 tỷ đồng cho vay cá nhân, hộ kinh doanh với mức lãi suất 8% - 9,5%/năm trong khoảng thời gian từ 1 - 3 tháng đầu tiên. Song song, BIDV cũng triển khai thêm gói 2.000 tỷ đồng cho vay khách hàng mua nhà, kể cả nhà ở phân khu cao cấp với lãi suất chỉ 5%/năm.

Ngoài ra, VIB cũng vừa đưa ra một gói vốn trị giá 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với đối tượng sửa nhà, mua nhà, mua ôtô tại VIB với mức 9,99%/năm trong 12 tháng đầu tiên.

Tuy nhiên, các gói vốn trên mới chỉ chiếm một tỷ trọng vô cùng nhỏ so với khối lượng tín dụng đến hàng trăm nghìn tỷ đồng của các ngân hàng nêu trên.

Còn các ngân hàng khác, đối với cho vay tiêu dùng, lãi suất cho vay vẫn cao ngất ngưởng, không dưới 15%/năm. Thậm chí, phần lớn các gói vốn cho vay sản xuất kinh doanh vẫn trên 11 - 14%/năm.

Khi đi sâu vào quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, mới thấy tất cả không là màu hồng, mà một biểu hiện trong số đó là tình trạng xiết nợ, thu hồi kho hàng thế chấp.

Một doanh nghiệp có tiếng trong làng phân phối đồ điện tử là Việt Long, hiện đang lâm vào tình cảnh khó khăn do không trả được nợ, đã bị hai ngân hàng thu hồi toàn bộ kho hàng thế chấp. Sau khi thu hồi, ngân hàng tiến hành phân phối trong nội bộ và những mối quen biết của mình.

Còn một ngân hàng khác thì tiến hành tiếp quản toàn bộ siêu thị, cử nhân viên xuống lập bộ máy bán hàng, thu ngân, giao hàng và vận hành y như thật.

Một chuyên gia cho rằng, ngân hàng và doanh nghiệp cần phải hiểu nhau cặn kẽ hơn, nên xem xét kỹ doanh thu, lợi nhuận chi phí và cả từng hợp đồng cũng như thị trường hoạt động của doanh nghiệp để ra quyết định chính xác rằng: có còn tiếp tục làm ăn với nhau hay đường ai nấy đi.
 
“Đừng quá nặng về thế chấp”


Theo phản ánh ở nhiều ngân hàng, tình hình hoạt động tín dụng những ngày đầu năm 2014 chưa có sự khởi sắc đáng kể nào, ngoài xu hướng dư thanh khoản nhưng khó cho vay.

Sự khó khăn này bắt nguồn từ một thực tế: doanh nghiệp không muốn vay mở rộng đầu tư vì chưa nhìn thấy sự hồi phục rõ ràng của thị trường, ngoại trừ một ít thông số đẹp như tỷ giá, lãi suất, dự trữ ngoại hối, CPI được tán thưởng trong các báo cáo vĩ mô, trong khi sức mua quá thấp, thị trường xuất khẩu không dễ dàng. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp khác lại muốn vay để đáo nợ, làm đẹp sổ sách nhằm chuẩn bị cho một chu kỳ làm ăn mới, thì không dễ gì vay được.

“Đã đến lúc, các ngân hàng phải thay đổi hoàn toàn quan niệm cho vay, đừng quá nặng nề về tài sản thế chấp mà hãy xem xét kỹ về khả năng thành công của dự án để cho vay”, ông Manabu Tsurutani, Tư vấn trưởng dự án SMEFP III nói.

Theo ông, tại Nhật, các ngân hàng luôn làm bệ đỡ cho doanh nghiệp, tất cả các khoản vay đều được ngân hàng thẩm định một cách chắc chắn và tỏ ra công bằng ở mọi khu vực địa lý. Tại những khu vực giao thông khó khăn, ngân hàng luôn có cách nhìn cởi mở, sẵn sàng mở hầu bao cho doanh nghiệp vay, cùng nhau nỗ lực vực dậy các địa bàn đó, thay vì chỉ chọn nơi phố xá, điều kiện hoạt động thuận lợi để cho vay.

Cũng liên quan đến vấn này, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp đang sản xuất bình thường nhưng lại vay thêm vốn để mở rộng đầu tư, khi chưa xây dựng xong thì nợ xấu phát sinh, ngân hàng cắt luôn vốn lưu động, khiến cho dự án mới đáng lẽ đi vào hoạt động thì bị ngưng sản xuất. Dẫn đến, doanh nghiệp vừa lo làm trả nợ cũ, lại phải cõng thêm nợ mới. Trong tình cảnh bị cắt vốn lưu động nên nhiều trường hợp bị phá sản.

Theo ông, các ngân hàng cần phải căn cứ vào hiệu quả dự án để cho vay hơn là đòi hỏi tài sản thế chấp vì khi phá sản, dù có bán được tài sản bảo đảm thì chi phí cho quá trình này có thể tương đương giá trị khoản vay.

Ông Nghĩa cũng dẫn chứng một trường hợp tại một ngân hàng thương mại nhà nước mới đây: khi ngân hàng cho vay một dự án bột giấy ở miền Tây Nghệ An 1.000 tỷ đồng, khi vận hành, có chuyên gia Trung Quốc ở đó thì bột giấy trắng tinh, nhưng khi chuyên gia này về nước thì bột lại... đen nhẻm. Cực chẳng đã, doanh nghiệp lại mời vị chuyên gia ấy sang một lần nữa, nhưng tình trạng cũ lại đâu vào đấy. Đáng tiếc hơn, khi vỡ nợ, một công ty kiểm toán đã xác nhận rằng, nhà máy này chỉ xây dựng hết 220 tỷ, trong khi vay tới cả nghìn tỷ đồng.

“Tôi vẫn khuyến cáo các ngân hàng nên xây dựng một phòng thẩm định độc lập, tất cả nhân viên tín dụng đều phải qua nghiệp vụ thẩm định”, ông Nghĩa nói.