10:56 17/03/2008

Những kỷ lục mới của FDI toàn cầu

Phạm Tiến

Theo UNCTAD, tổng các luồng vốn FDI toàn cầu trong năm 2007 đạt 1.500 tỷ USD và gia tăng mạnh mẽ ở tất các nhóm nước chính

Một dự án FDI trong lĩnh vực địa ốc ở Argentina.
Một dự án FDI trong lĩnh vực địa ốc ở Argentina.
Theo UNCTAD, tổng các luồng vốn FDI toàn cầu trong năm 2007 đạt 1.500 tỷ USD và gia tăng mạnh mẽ ở tất các nhóm nước chính. Tuy nhiên, hoạt động này có thể suy giảm trong năm 2008 bởi tăng trưởng kinh tế thế giới yếu đi và sự đổ vỡ của tín dụng.

Luồng vốn FDI tới các nước phát triển trong năm 2007 tăng 17% đạt hơn 1.000 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2003, tuy nhiên vẫn thấp hơn đỉnh cao năm 2000. Mỹ tiếp tục là quốc gia thu hút nhiều FDI nhất thế giới, ước đạt khoảng 193 tỷ USD. 25 quốc gia thành viên của EU thu hút 40% tổng luồng vốn FDI toàn cầu năm 2007. Còn tại Nhật Bản, trái ngược với năm 2006, các luồng vốn thuần mà nước này tiếp nhận được trong năm 2007 tăng gần 29 tỷ USD.

Giá dầu và gas tiếp tục tăng cao đã giúp luồng vốn vào châu Phi tiếp tục duy trì được ở mức gần tương đương so với năm thành công 2006. Tổng vốn đầu tư mà châu lục này tiếp nhận được là 36 tỷ USD. Các hoạt động thôn tính và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới có nguồn gốc hay liên quan với các ngành dịch vụ, cũng như những thoả thuận M&A trong ngành ngân hàng.

Mỹ Latinh và Caribê đã tăng lên mức kỷ lục, đạt 125 tỷ USD. FDI hướng vào khu vực này tập trung chủ yếu vào các nền kinh tế chính như Brazil, Chilê và tăng gấp đôi ở Mexico. Trái ngược với tình hình thu hút FDI ở các nước phát triển, sự gia tăng mạnh mẽ luồng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực được cho là nhờ các khoản đầu tư mới hơn là các hoạt động M&A.

Các luồng vốn FDI tới châu Á và châu Đại Dương tiếp tục duy trì chiều hướng gia tăng trong năm thứ 6 liên tiếp, đạt 277 tỷ USD. Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục là địa chỉ thu hút FDI dẫn đầu các nước đang phát triển (67 tỷ USD và 54 tỷ USD). Singapore cũng lập kỷ lục mới khi lượng FDI đổ vào khoảng 37 tỷ USD. Các thành viên khác của ASEAN như Malaysia, Philippines và Thái Lan cũng đã tiếp nhận được lượng vốn vào cao hơn so với trước. FDI vào khu vực Tây Á giảm 12%. Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh nhiều dầu mỏ tiếp tục là những địa chỉ thu hút phần lớn FDI.

FDI vào khu vực Đông Nam Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tăng 41%, đạt 98 tỷ USD - một mức kỷ lục. Đây là năm thứ 7 liên tiếp FDI gia tăng trong khu vực. Luồng vốn vào Liên bang Nga, nơi tiếp nhận nhiều FDI nhất khu vực, tăng gần gấp đôi. Triển vọng FDI vào quốc gia này là khả quan, tuy nhiên nó sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi luật lệ chặt chẽ hơn trong việc thu hút FDI vào ngành công nghiệp khai khoáng. Trong khi ở Đông Nam Âu, sự bùng nổ FDI tại đây là nhờ quá trình tư nhân hoá các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Năm 2008, có nhiều biểu hiện cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, thêm vào đó là khả năng ban hành những quy tắc khắt khe đối với đầu tư nước ngoài trong việc khai thác nguồn lực, tuy nhiên do nhu cầu ngày càng lớn của thế giới đối với các nguồn lực tự nhiên nên luồng FDI năm 2008 sẽ hướng chủ yếu vào các ngành khai khoáng.

Sự mất cân bằng cán cân thương mại toàn cầu, sự thay đổi bất thường của tỷ giá, sự gia tăng tỷ lệ lãi suất và sức ép gia tăng lạm phát, cũng như giá cả hàng hoá leo thang và thay đổi khó lường... sẽ là những yếu tố tác động khiến các luồng FDI toàn cầu suy giảm. Chiều hướng này đã được dự báo qua động thái suy yếu dần của các hoạt động M&A xuyên biên giới vào nửa cuối năm 2007. Tất cả sẽ khiến hoạt động FDI năm 2008 khó có thể sôi động như năm qua.