18:00 25/02/2010

Nợ chồng chất, Ấn Độ bán tài sản công

Kiều Oanh

Trong 10 tháng qua, Ấn Độ đã huy động được 3,5 tỷ USD bằng cách bán lại từng phần nhiều doanh nghiệp quốc doanh

Một công trường xây dựng tại Mumbai (Ấn Độ). Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đang nắm quyền sở hữu 473 công ty, trị giá khoảng 500 tỷ USD, tương đương với 45% GDP của nền kinh tế nước này - Ảnh: Reuters.
Một công trường xây dựng tại Mumbai (Ấn Độ). Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đang nắm quyền sở hữu 473 công ty, trị giá khoảng 500 tỷ USD, tương đương với 45% GDP của nền kinh tế nước này - Ảnh: Reuters.
Trong 10 tháng qua, Ấn Độ đã huy động được 3,5 tỷ USD bằng cách bán lại từng phần nhiều doanh nghiệp quốc doanh. Mục đích của việc bán tài sản này là nhằm tăng ngân quỹ phục vụ cho các dự án đường xá, trường học và bệnh viện, trong bối cảnh nợ công của Ấn Độ đã chồng chất.

Tờ New York Times cho hay, số tài sản công mà Ấn Độ bán ra trong vòng chưa đầy một năm trở lại đây thậm chí còn nhiều hơn giá trị tài sản mà Chính phủ nước này bán lại trong cả 4 năm trước đó cộng lại.

Đây có thể là một lựa chọn khó khăn của Chính phủ Ấn Độ, vì họ đang gánh một khoản thâm hụt ngân sách không nhỏ, nhưng lại hết sức cần tiền cho những dự án công như đường xá, trường học, bệnh viện... còn dang dở. Nợ công của Ấn Độ hiện đã lên đến mức 80% GDP của nước này, khiến việc huy động vốn của cả khu vực công và tư nhân qua thị trường trái phiếu trở nên khó khăn hơn và lãi suất trái phiếu buộc phải tăng.

Trên thực tế, chính quyền các bang và Chính phủ Ấn Độ đang phải trả tiền lãi nợ vay nhiều hơn so với số tiền chi cho quân đội và một số dịch vụ công như giáo dục và y tế.

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ đang nổ ra ở Hy Lạp, mức nợ không nhỏ trên của Ấn Độ cũng đang vấp phải sự chỉ trích từ nhiều phía. 90% số nợ của Chính phủ Ấn Độ là nợ các nhà đầu tư trong nước, trong khi 80% nợ của Chính phủ Hy Lạp là nợ các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc bán lại tài sản công của Ấn Độ đang nằm giữa những luồng ý kiến ngược chiều. Theo các nhà kinh tế học, Ấn Độ cần tăng tốc những cải cách kinh tế đã bị trì hoãn từ lâu, đặc biệt là bán lại cổ phần trong các doanh nghiệp quốc doanh. Trong khi đó, các đảng phái chính trị ở nước này, bao gồm cả một số phe phái trong Chính phủ liên minh cầm quyền, và các nghiệp đoàn đại diện cho người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước lại phải đối mạnh mẽ việc bán cổ phần này, chứ chưa nói gì tới việc tư nhân hóa khu vực kinh tế công.

Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ thừa nhận nước này đang gặp khó khăn về tài chính và cho rằng, việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp quốc doanh sẽ là một công cụ quan trọng để giảm bớt những khó khăn này. “Chúng tôi cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách trong hai năm tới. Để làm được điều này, chúng tôi cần có nguồn lực. Bán lại cổ phần là một trong những cách làm để có nguồn lực”, ông Sunil Mitra, một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính Ấn Độ nói.

Nhiều nhà hoạch định chính sách khác của Ấn Độ khẳng định, để cải thiện năng lực của các công ty quốc doanh và tăng ngân sách để thúc đẩy các hoạt động chăm sóc y tế, giáo dục và nâng cấp cơ sở hạ tầng, Ấn Độ cần tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp, thay vì chỉ bán lại cổ phần nhỏ như cách làm hiện nay. “Chúng ta cần nghĩ tới giải pháp cuối cùng là tư nhân hóa”, ông Vijay Kelkar, Chủ tịch Ủy ban Tài chính của Ấn Độ, mới đây phát biểu.

Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đang nắm quyền sở hữu 473 công ty, trị giá khoảng 500 tỷ USD, tương đương với 45% GDP của nền kinh tế nước này. Do đó, số cổ phần bán lại cho tới thời điểm này chưa thấm vào đâu so với tổng giá trị của các doanh nghiệp quốc doanh.

Các nhà kinh tế học cho rằng, New Dehli có thể dễ dàng thu về nhiều tỷ USD bằng cách giảm tỷ lệ nắm giữ trong các doanh nghiệp niêm yết mà Chính phủ nắm quyền kiểm soát về 90%. Trên thực tế, Chính phủ Ấn Độ cũng đã tuyên bố là họ có kế hoạch đưan thêm 60 doanh nghiệp quốc doanh nữa vào niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sau khi giành độc lập vào năm 1947, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã thành lập những doanh nghiệp quốc doanh như hãng thép Steel Authority of India để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa. Một số doanh nghiệp tư nhân như hãng hàng không Air India và phần lớn các nhà băng của nước này cũng bị Chính phủ quốc hữu hóa.

Dần dần, những doanh nghiệp quốc doanh này đã trở thành “chiếc bánh” hấp dẫn cho các đảng phái chính trị ở Ấn Độ, chẳng hạn như cung cấp việc làm ổn định và thu nhập tốt cho thành viên của các nghiệp đoàn mạnh. Kết quả là, Chính phủ Ấn Độ nhận thấy họ khó có thể bán lại những công ty này.

Gánh nặng tài chính đối với Chính phủ Ấn Độ gia tăng khi trong những năm gần đây, nước này tăng lương cho khu vực công và tăng mạnh chi tiêu cho các chương trình xã hội và trợ cấp, bao gồm hoãn nợ cho nông dân. Năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ còn cắt giảm thuế và thực hiện trợ cấp xuất khẩu để kích thích tăng trưởng.

Những nỗ lực này đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên mức 7,9% trong quý 3/2009, từ mức 6,1% trong quý trước đó. Tuy nhiên, một tác dụng phụ đã xảy ra là lạm phát tăng cao, với giá tiêu dùng tháng 12/2009 tại Ấn Độ tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, hạn chế khả năng tăng chi tiêu công cho những nhu cầu dài hạn.