18:10 01/03/2011

Nỗi lo lạm phát “bịt miệng” chiến tranh tiền tệ

An Huy

Mới chỉ tháng trước, chính phủ các nền kinh tế mới nổi còn thi nhau cảnh báo về một cuộc đua phá giá đồng tiền

“Động lực” cho lạm phát thống trị nỗi lo của các chính phủ những ngày này là sự tăng giá chóng mặt của lương thực và nhiên liệu - Ảnh minh họa: Stockwatch.
“Động lực” cho lạm phát thống trị nỗi lo của các chính phủ những ngày này là sự tăng giá chóng mặt của lương thực và nhiên liệu - Ảnh minh họa: Stockwatch.
Mới chỉ tháng trước, chính phủ các nền kinh tế mới nổi từ Nam Phi tới Brazil còn thi nhau cảnh báo rằng, một cuộc đua phá giá đồng tiền có thể là cần thiết nhằm giữ cho đồng nội tệ chịu áp lực tăng giá của họ không gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế trong nước.

Khi đó, các nền kinh tế mới nổi cáo buộc chính sách tiền tệ lỏng lẻo của các nước phát triển như Mỹ, Nhật và việc Trung Quốc định giá đồng Nhân dân tệ ở mức thấp đã thúc đẩy dòng vốn nóng đổ vào các nền kinh tế này tăng mạnh, gây áp lực tăng giá đồng nội tệ và đe dọa lĩnh vực xuất khẩu.

Một ví dụ tiêu biểu là đồng Rand của Nam Phi, đã tăng giá 44% so với USD trong hai năm qua. “Chiến tranh tiền tệ” đã trở thành chủ đề tốn giấy mực của báo chí trong một thời gian tương đối dài.

Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg cho biết, chuyện kiểm soát tỷ giá giờ đã nhanh chóng “lùi vào dĩ vãng”, khi mà giá lương thực tăng vọt và giá dầu lên 100 USD/thùng kéo nỗi lo lạm phát lên vị trí hàng đầu. Trong bối cảnh này, không những không còn than phiền về vấn đề đồng nội tệ tăng giá, các nền kinh tế mới nổi còn thi nhau tăng lãi suất để chặn lại sự leo thang của lạm phát.

“Nếu những rắc rối về kinh tế vĩ mô của một nước chuyển từ tăng trưởng quá yếu sang lạm phát quá cao, thì đó là lúc chính phủ cần tính chuyện thắt chặt chính sách tiền tệ. Cách nhanh nhất để chặn lạm phát là tìm cách tăng giá đồng tiền”, ông Jens Nordvig, Giám đốc mảng nghiên cứu tiền tệ tại công ty Nomura Holdings đặt tại New York, nhận định.

“Động lực” cho lạm phát thống trị nỗi lo của các chính phủ những ngày này là sự tăng giá chóng mặt của lương thực và nhiên liệu. Bất ổn chính trị ở Ai Cập, Bahrain, Libya và Tunisia đã đưa giá dầu thô tại New York qua mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2008. Theo Cơ quan Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số giá của 55 loại lương thực-thực phẩm đã tăng 3,5% trong tháng 1 so với tháng 12/2010, lên mức kỷ lục 231 điểm.

Các chuyên gia kinh tế thuộc Barclays Capital ước tính, lạm phát hiện đang đạt mức 6% tại các nền kinh tế mới nổi, so với mức xấp xỉ 2% tại các quốc gia phát triển.

Bởi thế, trong tuần trước, các quan chức của Nam Phi và Indonesia đồng loạt nhận định, đồng tiền mạnh hơn có thể giúp ích cho họ trong cuộc chiến chống tăng giá.

Sau khi phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái rằng, đồng Rand đang bị “định giá quá cao”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan hôm 23/2 vừa qua tuyên bố, việc giảm giá đồng tiền nhanh chóng có thể châm ngòi cho lạm phát. Những lời bình luận của ông Gorhan nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Hartadi Sarwono, người cho biết, nước này sẽ để đồng Rupiah tăng giá để kiểm soát giá cả.

Hôm 21/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin cho hay, Ngân hàng Trung ương nước này sẽ ủng hộ chế độ tỷ giá hối đoái “rất linh hoạt” Mục tiêu của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga là giữ lạm phát không quá mức 7-8% mà Chính phủ nước này đề ra.

Bản thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega - người đầu tiên đề cập tới cụm từ “chiến tranh tiền tệ” hồi tháng 9 năm ngoái, thời điểm mà ông tuyên bố mua USD để ngăn đồng Real tăng giá - giờ cũng “ỉm” chuyện này đi và chuyển mối quan tâm sang chống lạm phát. Hôm 19/1, Brazil đã thực hiện tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 7/2010.

Tương tự, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Prasarn Trairatvorakul hôm 26/1 vừa qua tuyên bố cần tăng lãi suất thêm để chống lạm phát. Tính đến ngày 12/1, Thái Lan đã tăng lãi suất lần thứ 4 trong 7 tháng.

Ngay trong tháng 2 này, Peru, Trung Quốc, Columbia, Indonesia và Nga cũng đã đồng loạt tăng lãi suất. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo, đồng Rúp của Nga, Peso của Mexico và đồng Ringgit của Malaysia sẽ tăng giá nhiều trong thời gian tới, một khi ngân hàng trung ương ở các nước sản xuất hàng hóa cơ bản như Nga, Mexico và Malaysia tăng lãi suất.

Theo ông Luis Costa, một chiến lược gia thị trường mới nổi tại London của ngân hàng Citigroup, những nước đang phát triển phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu dầu sẽ là những nước đi đầu trong phong trào tăng lãi suất sắp tới. Lý do ở đây là các nước này dễ chịu ảnh hưởng mạnh từ việc giá nhiên liệu tăng cao. Tỷ lệ của nhập khẩu xăng dầu và khoáng sản trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc là 36%, của Trung Quốc là 25%, của Thổ Nhĩ Kỳ là 27%, của Indonesia là 24% - theo số liệu của Citigroup.

Mặc dù vậy, chiến lược gia thị trường Jan Loeys thuộc ngân hàng JPMorgan Chase tại New York nhận định, các nền kinh tế mới nổi vẫn sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát dòng vốn bên cạnh việc tăng lãi suất để chống lạm phát. Ngân hàng Trung ương Columbia hôm 25/2 tuyên bố sẽ tiếp tục mua vào USD trong vòng ít nhất 3 tháng tới để hạn chế sự tăng giá của đồng Peso so với USD. Trước đó, Columbia đã bất ngờ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 10 cuộc họp chính sách tiền tệ.

“Các nước lo là nếu họ để đồng nội tệ tăng giá, điều đó sẽ giống như tạo ra sức hút mạnh đối với các quỹ đầu tư nước ngoài. Một mặt các chính phủ muốn thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng mặt khác cũng muốn tránh những dòng vốn ngoại khổng lồ đổ vào”, ông Loeys phát biểu.