06:06 09/05/2015

Nữ vào nhiều bộ, ngành đông hơn nam

Nguyễn Lê

Có 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ chủ chốt là nữ

Việc thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ vẫn tùy thuộc vào điều kiện và sự quan tâm của lãnh đạo từng đơn vị, địa phương, báo cáo nêu rõ.
Việc thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ vẫn tùy thuộc vào điều kiện và sự quan tâm của lãnh đạo từng đơn vị, địa phương, báo cáo nêu rõ.
Tỷ lệ nữ giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo các cấp, các ngành hiện đạt rất thấp, chủ yếu vẫn giữ vị trí cấp phó.

Đây là thông tin được đưa ra tại báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2014 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.
 
Việc thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ vẫn tùy thuộc vào điều kiện và sự quan tâm của lãnh đạo từng đơn vị, địa phương, báo cáo nêu rõ.

Bộ Tư pháp luôn đạt trên 80%

Một số kết quả cụ thể trong công tác cán bộ nữ năm 2014 được nêu tại báo cáo là: có ba nữ thứ trưởng và tương đương được luân chuyển về địa phương giữ chức phó bí thư tỉnh ủy, nâng tổng số lên 15/153 nữ phó bí thư tỉnh, thành ủy, bằng 9,8%. Một nữ thứ trưởng được bổ nhiệm Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc.

Có 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ chủ chốt là nữ, đạt 50%. Tính đến tháng 2/2105, có hai nữ thứ trưởng mới được bổ nhiệm.

Chuyển sang mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, Chính phủ cho biết ở nhiều bộ, ngành, tỷ lệ lao động nữ được tuyển dụng mới có xu hướng cao hơn nam giới.

Ví dụ cụ thể là Bảo hiểm xã hội Việt Nam tỷ lệ nữ được tuyển dụng mới đạt 51,7%, Ngân hàng Nhà nước đạt từ 51 - 63% tùy thuộc vào các đơn vị. Đặc biệt, Bộ Tư pháp luôn đạt trên 80%.

Liên quan đến chiến lược quy định tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015, dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ cho biết tỷ lệ nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp là 24,8%; tỷ lệ nữ làm chủ trang trại là 8,64%.

Trong 28 địa phương thống kê được số liệu về chỉ tiêu này, có 6 địa phương đã đạt tỷ lệ theo kế hoạch đề ra gồm: Bình Định và Kon Tum đều 30%, Khánh Hòa (30,3%, Tp.HCM 32,6%, Hà Tĩnh 36,57%, Đồng Nai 50,58%.

Tỷ lệ giới tính khi sinh cũng là nội dung được để cập tại báo cáo. Mục tiêu được đặt ra là phấn đấu đến năm 2015, khống chế tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

6 tháng, 16.750 vụ bạo lực gia đình

Dẫn báo cáo của Bộ Y tế và số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, Chính phủ cho hay tỷ số giới tính khi sinh năm 2014 là 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái, đã giảm 1,6 điểm phần trăm (năm 2013 là 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái).

Nhấn mạnh đây là con số ấn tượng vượt chỉ tiêu kiềm chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, song báo cáo cũng nêu cá biệt vẫn còn một số địa phương tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh rất cao như một số huyện ven biển của tỉnh Quảng Ngãi lên đến 220 bé trai/100 bé gái, Lào Cai là 126/100, Hải Dương là 118/100.

Tỷ số phá thai của toàn quốc ước tính năm 2014 là 19/100 (tương đương năm 2013 là 19/100), báo cáo cho biết tiếp.

Đáng chú ý, có một số liệu đã được đưa vào hệ thống chỉ tiêu phát triển giới quốc gia, nhưng lại chưa thống kê được, đó là thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam.

Về bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình, báo cáo của Chính phủ chỉ nêu được số liệu tổng hợp 6 tháng đầu năm 2014 của 61/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc: có 16.750 vụ bạo lực gia đình.

Phần đánh giá chung, Chính phủ nêu hạn chế là do cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 gặp nhiều khó khăn nên ngân sách trung ương bố trí cho các bộ, ngành và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới năm 2014 giảm 50% so với năm 2013 (năm 2013 là 40 tỷ đồng, năm 2014 là 20 tỷ đồng).