09:46 31/12/2008

Petro Vietnam lý giải nhiều thắc mắc về dầu khí

Từ Nguyên

Nguyên nhân chủ yếu khiến Petro Vietnam không hoàn thành chỉ tiêu khai thác là do lập kế hoạch không sát

Năm 2008, Petrro Vietnam nộp ngân sách 121,80 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 31% tổng thu ngân sách nhà nước.
Năm 2008, Petrro Vietnam nộp ngân sách 121,80 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 31% tổng thu ngân sách nhà nước.
Nguyên nhân chủ yếu khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) không hoàn thành chỉ tiêu khai thác là do lập kế hoạch không sát.

Đó là giải thích được ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petro Vietnam, đưa ra tại buổi họp báo về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2008, do tập đoàn tổ chức ngày 30/12.

Đã chuẩn bị giải pháp dự phòng
 
Tại buổi họp báo, ông Thăng cho biết, hiện có nhiều dự báo khác nhau cho kịch bản giá dầu trong năm 2009, trong đó có cả mức giá 20 USD/thùng, 60 USD/thùng… "Nghĩa là rất khó để dự báo giá dầu mà hoàn toàn phải phụ thuộc vào những diễn biến thực tế", ông nói.

Hiện Petro Vietnam cũng đã đưa ra một số phương án cho giá dầu trong năm 2009, trong đó kịch bản xấu nhất là giá dầu chỉ còn 30 USD/ thùng.

Ông Thăng nói nếu giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì kế hoạch khai thác các mỏ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các mỏ nhỏ, mỏ cận biện bởi khó có thể bù đắp chi phí.

Hơn nữa, nếu giá dầu giảm sâu thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu, đến sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách… của Petro Vietnam.

Cũng chính vì vậy, Petro Vietnam đã phải đưa ra những giải pháp dự phòng cho trường hợp xấu nhất của giá dầu. Đó là sẽ cơ cấu lại các danh mục đầu tư, đẩy mạnh tiết kiệm…

Trước mắt, trong năm 2009 Petro Vietnam sẽ ngừng tất cả việc mua xe hơi, thực hiện giao giá thành, kế hoạch, chi phí quảng cáo, tiếp thị đối với tất cả các sản phẩm chủ yếu cho từng đơn vị, hạn chế hội họp…

Về chỉ tiêu doanh thu, lãnh đạo tập đoàn này cho biết, trong năm 2009 về cơ bản chỉ tiêu không cao hơn năm 2008.

Đáng chú ý, lý giải về nguyên nhân khiến cho tập đoàn không hoàn thành chỉ tiêu khai thác của giai đoạn 2006 - 2008, theo ông Thăng, nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan, mà cụ thể là do tập đoàn đã lập kế hoạch không sát trong 3 năm liền. Chính vì thế, lãnh đạo tập đoàn đã họp và nghiêm túc kiểm điểm những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo ông Thăng thì cũng cần phải kể đến các nguyên nhân khách quan như thời tiết, lạm phát, suy giảm của nền kinh tế…

Giải thích mối liên hệ giữa việc Petro Vietnam tăng cường đầu tư khai thác dầu thô ở nước ngoài và trữ lượng dầu thô trong nước, ông Thăng nói trữ lượng dầu của Việt Nam là không lớn, chỉ xếp thứ tư trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, Bộ Chính trị đã phê duyệt chiến lược phát triển của Petro Vietnam là phải hướng đến một tập đoàn kinh tế đa ngành, hướng tới đầu tư dầu khí ra nước ngoài, doanh thu từ dịch vụ dầu khí phải đạt khoảng 40 - 50 % (hiện chỉ chiếm hơn 20%).

Ông Thăng cho biết, trong thời gian gần đây, Petro Vietnam đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư dầu khí ra nước ngoài với 16 dự án (Đông Nam Á: 6 dự án, Trung Đông và châu Phi: 6 dự án, châu Mỹ: 4 dự án). Theo kế hoạch, đến 2012, tập đoàn sẽ khai thác dầu tại Venezuela với sản lượng khoảng 10 triệu tấn/năm.

Còn con số cụ thể dự báo về sản lượng dầu thô của Việt Nam là thuộc danh mục bí mật quốc gia, nên Petro Vietnam không thể công bố được.

Sẽ bán cổ phần Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Về kế hoạch bán cổ phần của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Thăng cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho phép Petro Vietnam bán tối đa 49% khi nhà máy đi vào hoạt động và sẽ ưu tiên cho các đơn vị nước ngoài có cam kết cung cấp dầu thô dài hạn cho nhà máy.

Trả lời câu hỏi vì sao đa số các dự án dầu khí của tập đoàn lại do các nhà thầu nước ngoài, đặc biệt là các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận? Theo ông Thăng, việc lựa chọn các nhà thầu Trung Quốc là do chúng ta còn khó khăn về kinh phí nên phải tính đến hiệu quả kinh tế.

Ông đưa ra ví dụ, khi đấu thầu dự án là Nhà máy Đạm Cà Mau thì giá của các nhà thầu châu Âu là trên 1 tỷ USD, nhưng nhà thầu Trung Quốc chỉ có hơn 500 triệu USD.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, không phải tất cả các thiết bị, công nghệ đều của Trung Quốc mà tuy từng hạng mục, từng nhà đầu tư cụ thể để hiệu quả có thể đạt tối đa trong khả năng.

Doanh thu chiếm 20% GDP

Tại buổi họp báo, ông Trần Minh Hồng, Phó tổng giám đốc Petro Vietnam cho biết, trong năm 2008, tập đoàn đã hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao về chỉ tiêu doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách Nhà nước, cụ thể:

Tổng sản lượng khai thác trong năm đạt của toàn tập đoàn đã đạt 22,50 triệu tấn qui dầu, đạt 95,7% kế hoạch năm và 98,8% so với thực hiện năm 2007. Trong đó:

Khai thác dầu thô và condensate đạt 15,00 triệu tấn, đạt 93,8% kế hoạch năm và 94,3% so với thực hiện năm 2007. Khai thác khí đạt 7,50 tỷ m³, bằng 100,0% kế hoạch năm và 109,3% so với thực hiện năm 2007. Xuất khẩu dầu thô đạt 14,66 triệu tấn, bằng 93,7% kế hoạch năm và 93,3% so với thực hiện năm 2007.

Doanh thu năm 2008 của tập đoàn đã đạt 280,05 nghìn tỷ đồng (trong đó: ngoại tệ là 11,15 tỷ USD, nội tệ là 95,75 nghìn tỷ đồng), đạt 149,6% kế hoạch năm và tăng 31,2 % so với năm 2007, chiếm trên 20% GDP cả nước.

Tập đoàn cũng đã nộp ngân sách 121,80 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 31% tổng thu ngân sách nhà nước.

Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2008, Petro Vietnam đã thu về 11,15 tỷ USD, đạt 146,7% kế hoạch năm, chiếm trên 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí cũng đã được tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh bằng việc gia tăng trữ lượng dầu khí 127 triệu tấn thu hồi, đạt 363% kế hoạch, trong đó: ở trong nước là 30 triệu tấn, còn ở nước ngoài là 97 triệu tấn, đưa 5 mỏ dầu khí mới vào khai thác và hoàn tất một đề án mở rộng phát triển mỏ, gồm các mỏ dầu: Cá Ngừ Vàng (25/7/2008), Phương Đông (24/8/2008), Sư Tử Vàng (14/10/2008), Sông Đốc (24/11/2008); mỏ khí - Bunga Orkid (29/7/2008) và hoàn tất đề án phát triển giai đoạn 2 mỏ Rạng Đông.