16:56 13/10/2008

Sẽ bơm tiền không giới hạn vào thị trường

Mai Phương

Các ngân hàng trung ương lớn sẽ cung cấp USD với khối lượng không giới hạn cho các tổ chức tài chính

Tổng thống Mỹ George W. Bush phát biểu sau cuộc họp với các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương thuộc nhóm G7 tại Washington - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ George W. Bush phát biểu sau cuộc họp với các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương thuộc nhóm G7 tại Washington - Ảnh: Reuters.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa cho biết, các ngân hàng trung ương lớn sẽ cung cấp USD với khối lượng không giới hạn cho các tổ chức tài chính nhằm phục hồi niềm tin và đảm bảo thanh khoản cho thị trường.

Thông tin vừa được FED công bố ngày hôm nay (13/10) này được coi là một động thái chưa từng có tiền lệ khác của các ngân hàng trung ương lớn trong nỗ lực giải cứu thị trường tài chính khỏi “gọng kìm” khủng hoảng.

Theo đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) sẽ tiến hành đấu giá các khoản vay bằng USD có kỳ hạn 7 ngày, 28 ngày và 84 ngày với mức lãi suất cố định và khối lượng không giới hạn. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng sẽ cân nhắc áp dụng các biện pháp tương tự.

Lý do khiến các ngân hàng trung ương trên có thể bơm USD với khối lượng không giới hạn vào hệ thống tài chính là do FED đã bãi bỏ hạn mức của các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa FED và các ngân hàng này. Trước đó, tất cả các thỏa thuận hoán đổi này đều có mức trần nhất định.

Theo các nhà phân tích, đợt bơm vốn khổng lồ này sẽ có tác động tích cực hơn đối với thị trường so với đợt cắt giảm lãi suất tuần trước.

Theo FED, ECB, BoE và SNB “có thể cung cấp nguồn vốn bằng USD với khối lượng đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường” sang tận năm 2009. FED khẳng định: “Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục hợp tác và sẵn sàng áp dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để đảm bảo đủ thanh khoản trên thị trường vốn ngắn hạn”.

Sau đợt phối hợp hành động cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn tuần trước và kế hoạch của Chính phủ Mỹ nhằm mua vào thương phiếu của các doanh nghiệp để gỡ nút thắt thanh khoản cho thị trường, lãi suất cho vay trên thị trường tiền tệ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng vọt.

Cụ thể, Hiệp hội Các nhà ngân hàng Anh cho biết, vào ngày 10/10 vừa qua, lãi suất cho vay USD kỳ hạn 3 tháng tại London đã vọt lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái tới nay. Trong khi đó, các chỉ số trên thị trường chứng khoán toàn cầu lại diễn biến theo chiều ngược lại, với xu thế rơi gần như tự do.

Tình thế căng thẳng đã buộc các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đi tới một kế hoạch tập thể nhằm giải cứu ngành ngân hàng của khu vực trong ngày (12/10). Các nước công nghiệp phát triển G7 trong cuộc họp tại Washington cũng tỏ rõ quyết tâm không để ngành tài chính thế giới có thêm những kết cục xấu như Lehman Brothers.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng tuyên bố kích hoạt một chương trình cho vay khẩn cấp trị giá hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ ngành tài chính toàn cầu, đặc biệt là các ngân hàng tại các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, như thể nhận thấy, những nỗ lực phối hợp hành động trên vẫn là chưa đủ, FED, ECB, BoE và SNB đã đi tới quyết định bơm USD với khối lượng khổng lồ vào thị trường như trên.

Ở một diễn biến khác, trong ngày hôm nay, 3 ngân hàng hàng đầu của Anh là Royal Bank of Scotland, HBOS và Lloyds đã tiếp nhận khoản vốn khổng lồ 37 tỷ Bảng (64 tỷ USD) từ Chính phủ nước này như một phần trong kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng của Anh.

(Theo Bloomberg, AP)